Trong 7 tháng đầu năm nay, ngành xi măng sản xuất được 24 triệu tấn và dự kiến cả năm nay chỉ sản xuất, tiêu thụ được 48 triệu tấn.

Đây là lần đầu tiên ngành xi măng sụt giảm sản lượng mạnh so với tổng công suất thiết kế toàn ngành đạt 70 triệu tấn. Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều nay (23-7).

Ông Thiện cho biết công suất thiết kế là vậy, nhưng từ đầu năm đến nay, ngành xi măng đã 3 lần điều chỉnh chỉ tiêu do càng lúc càng khó khăn, sức tiêu thụ liên tục sụt giảm.

Đầu năm ngành dự trù sản xuất 65 triệu tấn, vài tháng sau giảm xuống còn 60 triệu tấn và mới đây, ngành chỉ mong đạt chỉ sản lượng 48 triệu tấn do tình hình tiêu thụ ngày càng tồi tệ.

Mặc dù giảm giá bán nhưng lượng bán ra cũng không nhiều. Các doanh nghiệp xi măng vừa điều tiết giảm sản lượng, tăng khuyến mãi, vừa tìm cách mở đường xuất khẩu.

Ông Thiện cho biết, qua 7 tháng đầu năm, ngành xi măng đã xuất khẩu được khoảng 4 triệu tấn và sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn trong năm 2012. Tuy nhiên, do giá mua ở các thị trường tiêu thụ cũng giảm sút, đặc biệt là các nước lân cận nên doanh nghiệp xuất khẩu cũng không có lãi, chỉ giải phóng được hàng tồn và bù chi phí vận chuyển.

Đáng báo động nhất trong ngành xi măng hiện nay, theo ông Thiện, với tổng công suất 70 triệu tấn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn cho dây chuyền sản xuất, đa phần là vay ngân hàng. Nay nhiều nhà máy tiết giảm sản lượng nên khả năng trả vốn, lãi vay cho ngân hàng càng thêm khó khăn.

Song song đó, chi phí sản xuất như điện, than dồn dập tăng thêm, nhiều nhà máy trước bỏ tiền đầu tư 3 lò đứng, nay chỉ chạy 1 lò cầm chừng.

Tương tự, tiêu thụ của ngành thép trong nước sau 7 tháng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết tiêu thụ thép xây dựng 7 tháng chỉ đạt 2,6 triệu tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ông Cường cho biết ngành thép còn hy vọng đạt lượng xuất khẩu 2 triệu tấn với kim ngạch 2 tỉ đô la Mỹ, tương đương với năm ngoái mặc dù các nước đang tiếp tục ra sức bảo hộ ngành thép nước mình.

Ông Cường dự báo cả năm 2012 ngành thép xây dựng sẽ giảm khoảng 10% so với sản lượng năm 2011 bởi các dự án đầu tư còn chậm khởi động lại, công trình thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng.

Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.