Quá thời hạn bàn giao, đã ngừng thi công dự án hơn nửa năm nay, nhưng đại diện Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) - đơn vị chủ quản của chủ dự án nhà ở cao tầng 52 Lĩnh Nam là Công ty Lilama Hà Nội lại cho rằng, giải pháp duy nhất là khách hàng nên nộp thêm tiền để hoàn thiện công trình.

Ông Phạm Quang Nhân - Phó Tổng giám đốc Lilama trả lời Thời báo Ngân hàng.

Thưa ông, trước bức xúc của người mua nhà về quyền lợi theo hợp đồng bị vi phạm, phía Tổng công ty có hướng giải quyết cụ thể nào?

Khó khăn duy nhất khiến công trình nhà ở 52 Lĩnh Nam “dậm chân tại chỗ” chính là vấn đề nguồn vốn hoàn công lấy ở đâu? Ban lãnh đạo Tổng công ty cũng đã có rất nhiều cuộc họp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư là Lilama Hà Nội. Phương hướng thì có nhiều, nhưng để giải quyết dứt điểm ngay lúc này quả thật là chưa có. Bởi vì, trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng cũng không còn “giơ tay” ra đỡ nữa.

Trong khi đó, mong muốn của khách hàng là nhận nhà trong thời gian sớm nhất bởi vì phần thô của các tòa nhà càng để lâu càng xuống cấp nhanh chóng. Vì vậy để bảo vệ tài sản của chính bản thân khách hàng, theo tôi nghĩ, giải pháp tối ưu nhất trong thời điểm này là khách hàng bắt tay cùng DN để tháo gỡ khó khăn, bằng cách đóng nốt khoản tiền mua nhà (theo tính toán sơ bộ còn khoảng 200 tỷ đồng) thì DN mới có vốn để tiếp tục hoàn công.

Với kinh nghiệm đối với các công trình bên Tổng công ty nhận thầu, chúng tôi đã thực hiện nghiệp vụ là “đóng băng tài khoản”, tức là nguồn tiền của khách hàng chỉ dùng vào việc xây dựng công trình. Sẽ có bên thứ ba (ngân hàng) chịu trách nhiệm giám sát khoản tiền này có được chi vào đúng chỗ hay không…


Dự án nhà ở cao tầng 52 Lĩnh Nam

Theo ông, khách hàng của Lilama Hà Nội tại dự án 52 Lĩnh Nam có nên đặt lòng tin ở DN này một lần nữa, khi mà chính họ phản ánh rằng sau khi “lừa” khách hàng đóng đến 95% giá trị căn hộ, chủ đầu tư đã dừng triển khai dự án?

Theo tính toán của Ban kiểm tra, kiểm soát nội bộ thì số tiền này cũng chỉ đủ để xây nốt 6 tầng còn thiếu và hoàn thiện được phía ngoài của tòa nhà. Nhưng ít nhất, công việc này còn giữ được giá trị của tài sản đảm bảo công trình không bị xuống cấp. Riêng phần hoàn thiện của từng căn hộ phải có sự đầu tư thêm của khách hàng. Khi đó, trách nhiệm của Lilama Hà Nội là phải đứng ra nhận nợ đối với từng khách hàng và chịu lãi suất theo thỏa thuận thì mới tháo được “nút thắt” triển khai dự án lâu nay.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là cách giải quyết mang tính tình thế. Về lâu dài, Lilama Hà Nội vẫn phải lo được vấn đề tài chính bằng cách bán nhà máy ở khu công nghiệp Quang Minh và trụ sở của công ty, kể cả quyền sở hữu 4 tầng của tòa nhà 52 Lĩnh Nam chứ không thể “tận dụng” thêm lòng tốt của khách hàng được.

Phía Tổng công ty có thông tin rằng, nguyên Tổng giám đốc Lilama Hà Nội vì có dấu hiệu vi phạm nên bị chuyển công tác khác. Có ý kiến cho rằng đây thực chất là bao che cán bộ để giúp họ “hạ cánh an toàn”, thưa ông?

Bản thân tôi cũng rất chia sẻ những bức xúc của các khách hàng tại dự án nhà ở 52 Lĩnh Nam. Trong thời điểm bất động sản đóng băng như hiện nay, việc người mua không nộp tiền đủ cho các chủ đầu tư mới là phổ biến, chứ đằng này khi đã nộp đến 95% giá trị căn hộ mà khách hàng chẳng nhìn thấy tài sản của mình đâu thì quả là ngược đời.

Tuy nhiên, dù Tổng công ty là cổ đông lớn nhất của Lilama Hà Nội, nhưng cũng không thể can thiệp trực tiếp vào hoạt động cũng như xét xử các sai phạm của nội bộ công ty thành viên. Chúng tôi chỉ có thể thông qua các thành viên Ban kiểm soát để xử lý những sai phạm mà thôi.

Còn trường hợp của nguyên Tổng giám đốc Lilama Hà Nội, chính tôi là người ký văn bản không cho ông Ngô Công Cường nghỉ hưu, chứ không có chuyện Tổng công ty Lilama tiếp tay để cán bộ của mình “hạ cánh an toàn” như một số khách hàng nói trong hội nghị tiếp dân ngày 23/1 vừa qua. Cá nhân nào sai phạm sẽ bị pháp luật xét xử thích đáng.

Sau khi ông Cường rời nhiệm sở, một số khách hàng còn lo ngại rằng, việc Tổng công ty thoái vốn 100% khỏi Lilama Hà Nội vào năm 2015 có thể gây nên sự “ phá sản” của Lilama Hà Nội. Và khi đó, khách hàng mua nhà sẽ không còn biết bấu víu vào đâu?

Theo suy nghĩ của riêng tôi, nếu dùng đến từ phá sản trong trường hợp của Lilama Hà Nội là hơi quá. Tất nhiên, đây là thời điểm khó khăn đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nói chung. Nhưng với Lilama Hà Nội, tài sản của Công ty hiện vẫn còn khá lớn, đủ để trang trải cho việc hoàn thiện dự án nhà ở 52 Lĩnh Nam. Vấn đề “kẹt” ở đây là nguồn vốn lấy ở đâu ra mà thôi.

Chúng tôi cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng về cơ chế, cho phép Lilama Hà Nội bán được nhà máy ở khu công nghiệp Quang Minh… để vượt qua khó khăn. Nhưng thoái vốn thì cũng phải hợp lý, không thể bằng mọi giá và cần phải có thời gian…

Thời báo kinh tế Sài Gòn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.