Thời gian gần đây, nhiều chung cư bị phát hiện mua bán nhà trên giấy, đặc biệt là hình thức rao bán khống các dự án để huy động vốn đã gây ra tâm lý hoang mang đối với người mua... Điển hình là vụ việc sàn BĐS Hà Thành rao bán khống chung cư Petromanning, hay dự án Khu đô thị Thanh Hà trước đó...
Mua nhà trên giấy: Đùa cợt với mạo hiểm
Nhiều dự án như thế này đã được huy động vốn nhưng vẫn chỉ là dự án "treo".

Phương thức mua bán nhà trên giấy được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Đối với người mua, thông qua hợp đồng góp vốn họ được mua góp dần tiền và giá nhà thấp hơn nhiều so với giá nhà đã hình thành. Còn đối với nhà đầu tư, phương thức này huy động được tiền nhàn rỗi, tiền tiết kiệm trong dân, giải quyết được một phần bài toán khó khăn về vốn.

Tưởng chừng đơn giản và tiện lợi như thế, nhưng hình thức mua bán này lại tiềm ẩn quá nhiều rủi ro đối với người mua.


Mất cả gia tài vì mạo hiểm


Ngày 15/4/2011, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã bắt Trần Xuân Phú, xưng là Giám đốc Công ty Indochina vì đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phú là đối tượng thứ 4 trong đường dây lừa đảo dự án Indochina bị lực lượng Công an bắt giữ, cũng là đối tượng trực tiếp làm giả tài liệu, con dấu, chữ ký trong đường dây này. Trước đó, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã bắt Tạ Tất Toàn, Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc, La Quốc Đạt, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đài Việt.


Theo điều tra, Phú và các đồng bọn lợi dụng sự quan tâm của nhiều khách hàng tới dự án này đã làm giả các tài liệu như văn bản đồng ý của UBND TP Hà Nội giao cho Công ty Indochina làm chủ đầu tư dự án Dương Nội, giấy ủy quyền huy động vốn của Công ty Indochina cho Công ty Đài Việt, bản đồ thửa đất…, làm giả con dấu của UBND TP Hà Nội, Công ty Indochina… để lừa đảo và chiếm đoạt số tiền hơn 10 tỷ đồng của một khách hàng tại lô đất ký hiệu S02-L31 khu B Dương Nội, có diện tích 170m2 dưới hình thức góp vốn.


Một “kịch bản” khác là tại dự án khu đô thị Thanh Hà A-B (quận Hà Đông). Vụ việc lừa đảo của công ty 1-5 khiến hàng trăm người sống dở chết dở vì mất cơ nghiệp.


Theo đại diện các hộ dân, giữa Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 - Land) và Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1-5 (Công ty 1-5) đã có một bản hợp đồng vay vốn. Mục đích Cienco5 - Land vay của Công ty 1-5 số tiền 200 tỷ đồng là để đầu tư vào dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây trước kia và triển khai dự án khu đô thị.


Đổi lại, Công ty 1-5 sẽ được ưu tiên hợp tác đầu tư vào Khu đô thị Thanh Hà do Cienco5 - Land làm chủ đầu tư. Vì tin tưởng vào bản hợp đồng này nên nhiều người đã nộp tiền cho Công ty 1-5, với số tiền lên đến cả tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chờ đợi họ nhận được thông tin hợp đồng giữa Cienco5 - Land và Công ty 1-5 đã bị hủy bỏ, đồng thời Cienco5 - Land chưa hề nhận một đồng nào từ Công ty 1-5 nên đã kéo đến văn phòng Công ty 1-5. Liên tục nhiều ngày sau đó, không ít người đã kéo tới trụ sở của công ty này nhưng không được giải quyết thỏa đáng.


Anh Tuyền, một “nạn nhân” của vụ lừa đảo này cho biết, lúc đó giới đầu cơ có nhiều hành động "tinh vi” để tạo ra sự khan hàng. Họ chung tiền ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư, thực chất là một hình thức "lách luật", mua đất dưới hình thức góp vốn rồi tung tin đẩy giá lên cao, huy động vốn bằng cách bán cho người mua cũng dưới hình thức góp vốn. Người mua, dù biết sẽ có nhiều rủi ro, nhưng do giá rẻ (giá bán dự án này dao động ở mức 21- 25 triệu đồng/m2 tùy vị trí), thời gian thanh toán hợp lý và nhiều thông tin đưa ra khá thuận lợi khiến cho nhiều người vẫn chấp nhận góp vốn để rồi trắng tay.


Thận trọng khi đầu tư

Trong bối cảnh nguồn tiền đang khan hiếm và các ngân hàng thì siết chặt tín dụng, rất nhiều chủ đầu tư tìm mọi cách để huy động vốn từ người mua. Mặc dù huy động vốn và hình thức hợp pháp để triển khai dự án, nhưng cơ chế này cũng tiềm ẩn các rủi ro trong khi triển khai như về chất lượng, tiến độ, giá trị, thủ tục cấp giấy chứng nhận và nhà đầu tư cần thận trọng. Khách hàng cần phải ý thức được việc theo quy định của hành lang pháp luật trong quá trình thực thi hợp đồng để tránh những hậu quả về sau.


Đã có nhiều trường hợp dự án được huy động vốn khi mới chỉ nằm trên giấy. Đây là một trong những tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho khách hàng nếu vì một lý do nào đó mà dự án họ đã bỏ tiền ra góp vốn sau những lời hứa của chủ đầu tư vẫn chỉ là dự án “treo”, dự án giấy, chứ thực tế thì không hề có dự án này.


Người mua cần biết, theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi có đủ các điều kiện dự án đã được phê duyệt về quy hoạch kiến trúc; được cấp chứng nhận đầu tư; dự án đã tiến hành việc khởi công xây dựng phần móng (đối với biệt thự nhà vườn, biệt thự liền kề) và tầng 1 (đối với nhà chung cư); đã có thiết kế chi tiết (căn hộ chung cư hoặc biệt thự) được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, khi dự án chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định như giấy phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch v.v… thì chưa được phép giao dịch. Vì thế, dự án chưa triển khai mà rao bán các căn hộ là trái luật, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo.


Đối với những ai không có kinh nghiệm giao dịch nhà đất nên tìm luật sư tư vấn trước khi quyết định mua bán tài sản. Đừng vì tâm lý đầu tư số đông hay cảm tính mà “tiếp tay” cho lực lượng “cò nhà đất”. Lực lượng này, ngoài lợi nhuận từ “hoa hồng” với người mua, họ còn được hưởng tiền chênh khá lớn bán dự án nên họ thường hùa theo chủ đầu tư. Ngay cả những dự án nhà ở thương mại cũng có hàng ngàn khách hàng phải ngậm đắng nuốt cay bởi “tin lời cò” mà sau đó chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết.


Thị trường hiện nay còn thiếu minh bạch, giá trị BĐS ở các khu vực tăng hay giảm phụ thuộc nhiều vào sự phán đoán của giới đầu tư cũng như khả năng “can thiệp” của các chủ đầu tư trong việc “làm giá”. Vì vậy, để nguồn vốn huy động từ dân được ổn định, không chịu biến động nhiều của thị trường cần có một hành lang pháp lý phù hợp và lâu dài để BĐS dần trở về giá trị thực của nó.

Theo Thảo Nguyên (Tầm Nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.