CafeLand - Chuyển nhượng hay hợp tác đầu tư được xem là cứu cánh cho những dự án chậm tiến độ. Song, đằng sau những thương vụ có giá trị đến hàng trăm tỷ đồng, người mua nhà có nguy cơ gánh chịu rủi ro.

Dự án Cheery 2 sắp hoàn thiện nhưng vẫn bị "đắp chiếu". Ảnh: TK

Đã qua ba lần đổi chủ và cũng từng ấy lần đổi tên nhưng hiện nay dự án Thiên lộc Tower (tên gọi đầu tiên của dự án) đã nhiều lần “bất động”. Tháng 8/2012 C.T Group công bố mua lại công ty Thiên Lộc và chính thức trở thành chủ sở hữu mới của dự án Thiên Lộc Tower do công ty này làm chủ đầu tư. Ngay sau đó, Đất Xanh công bố mua lại 2 block của dự án này đồng thời đổi tên dự án thành Sunview 3. Với uy tín của một công ty môi giới lâu năm, chắc hẳn sự hiện của Đất Xanh ở dự án này đã thu hút không ít khách hàng.

Dù vậy, cuộc “hôn phối” này vẫn không thể giúp dự án về đích đúng tiến độ. Càng khó khăn hơn cho người mua nhà khi lúc bán Đất Xanh quảng cáo là chủ đầu tư đến khi dự án chậm tiến độ thì Đất Xanh nói mình chỉ là đơn vị môi giới khiến nhiều khách hàng muốn thanh lý hợp đồng không biết phải gõ cửa công ty nào để lấy lại tiền.

Trong năm 2013, Công ty Hoàng Quân cũng đã công bố bơm vốn vào dự án có tên Võ Đình Apartment trên đường Lê Văn Khương (quận 12, TP.HCM) do Công ty Võ Đình làm chủ đầu tư để xây dựng và đổi tên thành dự án Cheery 2. Tuy nhiên, sau khi công bố rầm rộ dự án này lại rơi vào tình trạng đắp chiếu. Trước đó, doanh nghiệp này cũng công bố hợp tác đầu tư tại nhiều dự án nhưng hầu như tiến độ các dự án này đều chậm trễ.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại Tp.HCM cho hay, những thương vụ mua bán dự án trong thời gian qua được công bố khá hoành tráng. Điều này thường gây ra lầm tưởng cho khách hàng rằng doanh nghiệp mua lại dự án có tiềm lực mạnh về tài chính.

Nhưng trên thực tế, để mua lại một dự án có giá đến hàng trăm tỷ đồng, doanh nghiệp đi mua chỉ cần bỏ ra khoảng vài tỷ đồng, sau đó bán được hàng thì mới chuyển tiếp tiền theo tiến độ cho chủ đầu tư. Nếu việc bán căn hộ khó khăn, thì dự án xem như lại rơi vào bế tắc. Đó là chưa kể, việc hợp tác đầu tư khá phức tạp, nếu liên kết lỏng lẻo thì khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn thì sẽ không ai nhận trách nhiệm, thiệt thòi có thể đẩy lên người tiêu dùng.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, nếu gọi doanh nghiệp chuyển nhượng là doanh nghiệp A và doanh nghiệp nhận chuyển nhượng là doanh nghiệp B thì doanh nghiệp B không được xem là đồng chủ đầu tư hay nhà đầu tư. Bởi việc chuyển nhượng này đơn thuần chỉ là sự thỏa thuận của hai bên, pháp luật không công nhận sự chuyển nhượng trong trường hợp này.

Với cách làm này doanh nghiệp đang “lách luật” để tránh đánh thuế 2 lần. Cụ thể, pháp luật quy định, khi các bên thực hiện việc chuyển nhượng thì một trong những nghĩa vụ tài chính họ phải thực hiện đó là phải nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Việc người dân mua nhà từ doanh nghiệp B nhưng hợp đồng lại ký kết với doanh nghiệp A, rõ ràng trong trường hợp này chỉ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính 1 lần mà không phải 2 lần theo đúng quy định của pháp luật.

Khi mua nhà tại những dự án dạng này, người mua cần phải chú ý tới tư cách pháp lý của doanh nghiệp A. Cụ thể, xem doanh nghiệp A có được phép kinh doanh bán nhà được ghi nhận trong giấy đăng ký kinh doanh hay không? Tất cả các phiếu nộp tiền, chứng từ giao dịch thực hiện trực tiếp với doanh nghiệp A,… ông Truyền đưa ra lời khuyên.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.