Ngay sau khi sang tên chủ quyền, người mua bán lại cho người khác với giá thấp hơn giá mua đến 30 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Quyện, nhà ở 335bis Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình (TP.HCM), trình bày: Đầu năm 2014, gia đình ông quyết định bán căn nhà tại địa chỉ trên.
Sau một thời gian rao bán nhà, ông T. đã đồng ý mua với giá 58 tỉ đồng. Theo thỏa thuận, người mua đặt cọc 10 tỉ đồng và đến 2-10-2014, hai bên đi làm thủ tục công chứng.
Trong hợp đồng chuyển nhượng nêu: Sau khi ký hợp đồng, phía ông Quyện giao toàn bộ bản chính giấy tờ nhà cho người mua để họ làm thủ tục đăng bộ sang tên. Chỉ sau một ngày ký hợp đồng mua bán tại phòng công chứng (tức 3-10-2014), phía ông T. đã hoàn tất các giấy tờ liên quan đến căn nhà, sang tên trên giấy chủ quyền qua ông T.
Đến 16-10-2014, ông T. ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà nói trên cho một người thứ ba với giá 28 tỉ đồng.
Căn nhà của ông Nguyễn Văn Quyện đã bán với giá 58 tỉ đồng. Ảnh: Nguyễn Hiền
Trong khi đó, số tiền còn lại (48 tỉ đồng) ông T. vẫn chưa trả cho ông Quyện. Sau nhiều lần hẹn gặp, phía ông T. trả cho ông Quyện thêm được 1 tỉ đồng và viết giấy cam kết đến cuối tháng 11-2014 sẽ thanh toán hết, nếu không sẽ bị mất 11 tỉ đồng đã giao cho bên bán và phải làm thủ tục sang tên nhà trở lại cho ông Quyện.
Đến hẹn, ông T. vẫn không thực hiện cam kết nên ông Quyện khởi kiện ra TAND quận Tân Bình yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà. Tòa thụ lý vụ án, mời hai bên đến hòa giải nhưng phía ông T. không đến.
Lúc này, ông Quyện tố giác cơ quan chức năng “tiếp tay” cho ông T. chiếm đoạt tài sản của ông và yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ. “Ngày 30-6-2015, chủ tịch UBND quận Tân Bình đã ra quyết định thụ lý giải quyết tố cáo cán bộ và giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo của tôi. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn rơi vào im lặng” - ông Quyện cho biết.
Ông Trần Tường Thụy, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Tân Bình, cho biết: Vụ kiện của ông Quyện hiện TAND quận Tân Bình đang thụ lý (vụ kiện hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất). Đồng thời, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Bình cũng đang điều tra vụ việc trên vì xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Đối với đơn tố cáo cán bộ làm sai quy trình đăng bộ của ông Quyện, Thanh tra quận đã có kết quả nhưng chưa thể thông tin vì cần phải có thời gian trình ký. Khi nào có kết quả chúng tôi sẽ trả lời cho ông Quyện biết” - ông Thụy nói.
Người bán nên nắm đằng cán
Theo thông lệ, để tránh những trường hợp rủi ro (chẳng hạn bị lừa, bị trì hoãn, kéo dài thời gian thanh toán tiền bạc) khi mua, bán nhà, đất, bên cạnh việc kiểm tra tính hợp lệ của nhà, đất, người ta chú trọng vào cách thức giao nhận tiền. Sau khi thỏa thuận xong về giá cả, thông thường việc giao nhận tiền được chia thành ba đợt. Đợt 1 là nhận tiền đặt cọc, số tiền đặt cọc do các bên tự thỏa thuận nhưng thường khoảng 10% giá trị tài sản mua bán. Đợt 2 là nhận tiền khi thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng mua bán (thường là 80% giá trị tài sản). Lúc này, người bán có thể giao giấy tờ nhà cho người mua làm tiếp thủ tục đăng bộ. Đợt 3 là nhận nốt số tiền còn lại (10%) khi bàn giao tài sản từ người bán sang người mua. Cách giao dịch mua bán trên sẽ hạn chế thấp nhất việc người bán đã bán xong mà chưa nhận đủ tiền như trường hợp nêu trong bài.
Luật sư Nguyễn Hữu Danh (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Nguyễn Hiền (Pháp luật Tp.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.