Hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam trở thành một trong những kênh đầu tư đáng chú ý của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.

Tăng về số lượng và giá trị

Nếu năm 2010 cả nước có 345 thương vụ M&A với giá trị đạt 1,7 tỷ USD thì đến năm 2011 số lượng và giá trị giao dịch đã lập kỷ lục mới với hơn 400 thương vụ, trị giá 4,7 tỷ USD. Về giá trị, các thương vụ lớn đều liên quan đến yếu tố nước ngoài, chiếm tới 66% tổng giá trị các giao dịch M&A. VN hiện đứng thứ 8 trong số các quốc gia có hoạt động M&A sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong quý 1-2012, tổng giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD, tăng 207% so với cùng kỳ năm 2010. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong năm 2012, M&A ở các nước trong khu vực có thể giảm 25%, nhưng riêng tại VN hoạt động này tiếp tục diễn ra sôi động với mức tăng trưởng từ 20%-40% so với năm 2011.

Lý giải M&A tại VN tăng cao, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, phụ trách đầu tư và quản lý nguồn vốn VinaCapital cho rằng, kinh tế khó khăn khiến các DN phải chủ động và linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm đối tác thông qua M&A. Mặt khác, sự khác biệt về chi phí vốn tại VN quá cao so với các nước, trong khi các DN rất khó huy động vốn nên M&A chính là kênh để thu hút vốn hiệu quả. Còn các DN nước ngoài với lợi thế về chi phí vốn thấp hơn và lãi suất ngân hàng khá thấp, chỉ từ 7% - 8%/năm nên việc đầu tư vào các DNVN cũng sẽ mang lại cho họ những hiệu quả nhất định. Các lĩnh vực như ngân hàng, bán lẻ, thực phẩm - đồ uống, chăm sóc sức khỏe tiếp tục được nhà đầu tư quan tâm trong năm 2012.

Phát huy thế mạnh

Điều đáng lưu ý, dù có nhiều vụ giao dịch có giá trị lớn, chủ yếu do các công ty nước ngoài mua công ty trong nước, song thị trường cũng đã xuất hiện xu hướng ngược lại. Đó là các DN trong nước giao dịch, mua bán với nhau đang trở nên khá phổ biến, chiếm 77% số lượng các thương vụ. Những động thái này cho thấy khu vực DN trong nước đã chủ động hơn trong việc mua lại hoặc sáp nhập với nhau (cùng ngành nghề). Theo tính toán, số lượng các giao dịch loại này chiếm khoảng 40% giao dịch toàn thị trường. Việc DN trong nước tham gia các vụ M&A là để mở rộng ngành hàng mới, nhằm tận dụng hệ thống phân phối có sẵn, từ đó hình thành các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Biểu hiện rõ nhất là Tập đoàn Masan mua cổ phần rất lớn của Vinacafe Biên Hòa; Công ty CP SXTM Thành Thành Công bỏ vốn để trở thành cổ đông lớn tại hàng loạt các công ty mía đường như La Ngà, Biên Hòa, Phan Rang…

Dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều khi nói về hoạt động M&A, và một ngày nào đó những thương hiệu nổi tiếng có thể “biến” mất trên thị trường, thay vào đó là những cái tên mới. Nhưng nói như chủ tịch HĐQT của một công ty hàng đầu VN, nhờ nguồn vốn từ M&A mà DN có thể duy trì và vượt qua những thời điểm cực kỳ khó khăn. Bằng không, nhiều phân xưởng của công ty buộc phải ngưng sản xuất, công ty có thể giải thể! Nếu nhìn ở mặt tích cực thì M&A giúp các DN cùng tạo giá trị cộng hưởng để lớn mạnh.

Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.