Người mua ham đất rẻ, sẵn sàng giao dịch giấy tay không đúng quy định, không có gì đảm bảo chắc chắn, tạo điều kiện cho người bán dễ dàng lấy tiền…

Trước đây, ông Nguyễn Văn Hà được bạn giới thiệu đến gặp ông NMC (ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) để hỏi mua một lô đất. Ông C. thông tin rằng đây là đất mình mua trước đó, nay không có nhu cầu sử dụng nên sẽ bán lại cho ông Hà với “giá mềm”.

Mua trúng đất “ảo”

Đầu năm 2011, khi ông Hà đi xem đất, ông C. cho biết đó là lô số 14A và chỉ cho xem một nền đất nằm cuối một khu đất ruộng lớn, được xây viền gạch đỏ bao quanh. Sau đó, ông C. đưa ra một tờ photo bản đồ hiện trạng vị trí đánh dấu vào ô bán cho ông Hà và nói để sau này bổ túc hồ sơ xin chuyển quyền sử dụng đất, kèm theo bản photo giấy chủ quyền đất của người chủ cũ và mẫu giấy mua bán đất do ông C. đứng tên bán.

Sau khi trả tiền (110 triệu đồng) xong, ông Hà và ông C. cùng ký tên vào giấy mua bán đất, đồng thời ấn dấu vân tay vào nơi có chữ ký mà không ra công chứng. Hồ sơ giao cho ông Hà khi mua bán xong gồm những giấy tờ photo trên kèm theo sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân của ông C. (cũng là bản photo).

Lô đất “ảo” xây viền lấn qua đất người khác mà ông Hà đã tin tưởng mua của ông C. Ảnh: TH.HIẾU

Cuối năm 2012, ông Hà đến thăm đất thì té ngửa vì không còn thấy viền gạch làm ranh của lô đất. Ông dò hỏi những người xung quanh mới biết lô đất số 14A mà ông C. bán cho ông hoàn toàn không có. Hóa ra sau khi ông C. phân lô bán nền thì còn thừa lại một mẩu đất nhỏ. Ông C. bèn lấy gạch đỏ xây viền lấn chiếm đất của người khác thành một nền hoàn chỉnh rồi bán cho ông Hà. Vì vậy, khi phát hiện ra, người chủ thửa đất lớn bị lấn chiếm đã phá bỏ hàng gạch xây làm viền của lô đất “ảo” này.

Sau nhiều lần ông Hà tới lui chất vấn, ông C. mới chịu thừa nhận đã lập hồ sơ khống bán đất “ảo” cho ông để lấy tiền tiêu xài. Ông Hà đòi tiền, ông C. không chịu trả mà hứa sẽ mua một lô đất khác trả. Vài ngày sau, ông C. gọi ông Hà đến rồi giao cho ông bộ hồ sơ photo của lô đất số 13 và nói mua lại của một người khác để đền lại cho ông. Chỉ muốn lấy lại tiền, ông Hà không đồng ý nhận đất này thì ông C. tỏ thái độ hăm dọa, thách thức.

Do nghi ngờ ông C. lừa đảo bán đất “ảo” cho nhiều người khác như mình nên ông Hà vờ nhận bộ hồ sơ để tìm hiểu. ông mới biết lô đất số 13 này ông C. đã bán cho một phụ nữ với giá 76 triệu đồng từ đầu năm 2009, sau đó lại đem bán tiếp cho một người đàn ông vào cuối năm 2009.

Ông Hà tố cáo ông C. ra Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM). Hiện cơ quan công an đang tiến hành xác minh, làm rõ.

Không nơi nào giải quyết

Mấy tháng nay, các ông bà Trần Quang Thụ, Phan Văn Bình, Bùi Thị Lập, Lý Thị Thủy và một số người khác (cùng ngụ phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã khiếu nại khắp nơi về việc họ bị bà NTBT lừa bán đất nhưng không cơ quan nào giải quyết.

Theo đơn tố cáo của những người dân này, họ nghe thông tin bà T. ngụ cùng phường có khu đất khá lớn ở xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) đang phân lô bán nền nên tìm hỏi mua. Bà T. hứa hẹn bán cho mỗi người một lô đất diện tích từ 80 m2 đến 160 m2 tại đây với giá từ 120 triệu đồng đến 280 triệu đồng/lô. Tất cả thủ tục mua bán được hai bên thực hiện bằng giấy tay. Theo giao kết, bên phía bà T. sẽ tiến hành làm hồ sơ thủ tục cho bên mua đến cấp xã, có bản vẽ tách thửa kèm theo và mọi chi phí sẽ do bà T. chịu.

Ham đất rẻ, các hộ dân đã giao tiền trước cho bà T. để rồi sau đó phải bắt đầu chuỗi ngày “truy tìm, đuổi bắt” yêu cầu bà T. làm thủ tục sang tên. Hết lần này đến lần khác, bà T. viện đủ lý do để tránh né việc làm thủ tục sang tên các lô đất. Căng thẳng lên đến cao trào khi những người mua đi thăm đất mới biết lô đất mà bà T. bán cho mình đã được bà ta đem bán cho nhiều người khác. Những người mua sau đã cắm cọc bao quanh toàn bộ khu vực để giữ đất và đi tố cáo với công an địa phương. Lúc này, bà T. đã “cao chạy xa bay”, dọn đi không còn ở nơi cư trú cũ nữa.

Ông Thụ bức xúc: “Chúng tôi cầm đơn đến tố cáo với Công an quận Gò Vấp thì cán bộ nơi đây nói sự việc xảy ra ở huyện Hóc Môn và chỉ chúng tôi lên đó. Tới Công an huyện Hóc Môn, cán bộ nơi này bảo đây là quan hệ dân sự vì việc mua bán đất có giấy tay. Chúng tôi qua tòa thì tòa không nhận đơn vì cho rằng hành vi bán một lô đất cho nhiều người để nhận tiền của bà T. có dấu hiệu của tội lừa đảo, phải tố cáo đến công an mới đúng. Cứ thế, giờ đây chúng tôi không biết phải nhờ cơ quan nào giải quyết cho chúng tôi cả”.

Người mua đất phải cẩn trọng

Về nguyên tắc, người dân khi mua đất là phải tìm hiểu rõ về tính pháp lý của lô đất muốn mua tại UBND xã, ít nhất là phải có các thông tin như có đúng là đất của người bán hay không, đất đang có tranh chấp hay không, quy hoạch ra sao, có thể cất nhà không... Hiện nay, rất nhiều người dân vì ham đất giá rẻ nên chấp nhận giao dịch bằng các giấy tay và các hồ sơ photo, không được cơ quan chức năng công chứng, chứng nhận. Vì vậy, khả năng người mua gặp phải rủi ro, tranh chấp là rất lớn.

Theo chúng tôi, trường hợp mua bán giấy tay (hợp đồng tay) có tranh chấp thì là quan hệ dân sự, người dân phải khởi kiện tại tòa án để được giải quyết. Còn nếu người bán chỉ có một lô đất mà bán cho nhiều người thì rõ ràng là lừa đảo, thuộc trách nhiệm xử lý của cơ quan điều tra. Trường hợp không có đất mà vẫn cố tình chỉ đại để bán “đất ảo” cho người khác lấy tiền thì cũng bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá NGUYỄN VĂN QUÝ, Phó Trưởng Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM)

Thái Hiếu (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.