Cơ quan đánh giá tín dụng Moody’s ngày 23-7 hạ triển vọng xếp hạng AAA của Đức, Hà Lan và Luxembourg từ “ổn định” xuống “tiêu cực” do khủng hoảng nợ châu Âu khiến sự không chắc chắn tăng cao.

Moody’s hạ triển vọng Đức và các nước châu Âu. Ảnh: TL

Moody’s cho biết việc hạ đánh giá của các nước trên do triển vọng của nền kinh tế khu vực đồng euro (eurozone) không còn phù hợp với định nghĩa “ổn định”. Đồng thời, Moody’s cũng lo lắng về phản ứng thụ động và chậm chạp của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc ứng phó với khủng hoảng nợ. Moody’s cho biết nguy cơ Hy Lạp ra khỏi eurozone ngày càng tăng và khả năng các nước eurozone khác cần sự hỗ trợ cũng gia tăng do kinh tế trì trệ.

Moody’s chỉ ra Hy Lạp ra khỏi eurozone sẽ tạo thành mối đe dọa lớn với đồng euro và có thể dẫn đến một loạt biến động trên thị trường tài chính. Nếu Hy Lạp không ra khỏi eurozone, các nước thành viên eurozone mạnh hơn sẽ phải tăng gánh nặng khủng hoảng nợ thông qua việc gia tăng các biện pháp ứng phó với khủng hoảng. Moody’s nói cách làm này không những không thể ổn định tình hình mà cũng sẽ dẫn đến một loạt biến động trên thị trường tài chính.

Ngoài ra, môi trường tài chính và kinh tế vĩ mô của Tây Ban Nha và Ý tiếp tục xấu đi khiến khả năng cần đến sự hỗ trợ bên ngoài của hai nước này gia tăng. Moody’s chỉ ra nếu eurozone tiếp tục tồn tại như vậy, gánh nặng của các nước thành viên có xếp hạng cao hơn sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, Moody’s vẫn xác nhận triển vọng AAA của Phần Lan là “ổn định”. Cơ quan này cho biết do tài sản ròng và quy mô hệ thống ngân hàng tương đối nhỏ với hoạt động chính ở trong nước, Phần Lan ít chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ của eurozone.

Eurozone lo ngại Tây Ban Nha

Nợ nần chồng chất của chính phủ Tây Ban Nha hiện là mối lo mới nhất của eurozone. Thị trường chứng khoán khắp châu Á, châu Âu và Mỹ đều sụt giảm vào ngày 23-7 do lo ngại Tây Ban Nha sẽ cần đến gói cứu nguy của quốc tế sau khi chi phí vay nợ của nước này gia tăng trên mức Hy Lạp, Ireland, và Bồ Đào Nha buộc phải nhờ đến các gói cứu nguy.

Tuy nhiên vào ngày 23-7, Bộ trưởng Tài chánh Tây Ban Nha Luis de Guindos đã bác bỏ thông tin cho rằng Tây Ban Nha sẽ cần đến sự giúp đỡ của quốc tế.

Tây Ban Nha đã áp đặt các biện pháp khắc khổ gay gắt, bao gồm cắt giảm chi tiêu chính phủ và tăng thuế. Việc này đã khiến hàng ngàn công nhân xuống đường biểu tình trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, chính phủ cho rằng những thay đổi này là cần thiết để giảm thâm hụt ngân sách.

Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ tư trong eurozone nhưng hiện có khoảng 1/4 số công nhân thất nghiệp. Nền kinh tế Tây Ban Nha cũng co cụm, không tăng trưởng. Trong quí 2-2012, kinh tế Tây Ban Nha suy giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ dự đoán tình trạng suy thoái sẽ tiếp tục sang năm tới.

Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.