Sau 5 năm xã hội hóa, dịch vụ công chứng đã có bước phát triển đáng kể, mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hoạt động này để phát triển thị trường dịch vụ công chứng, trước mắt là kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Công chứng tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội.

Hoạt động cung cấp dịch vụ công chứng đã có bước tiến đáng kể trong vòng 5 năm trở lại đây. Luật Công chứng sửa đổi lần này có sự cải cách thế nào, thưa ông?

Trước đây, do chỉ có phòng công chứng (đơn vị sự nghiệp công lập) với số lượng hạn chế, nên đã dẫn tới tình trạng tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu phải xếp hàng, chờ đợi, thậm chí có tiêu cực dẫn đến nảy sinh nạn “cò công chứng”.

Nhưng từ khi đưa Luật Công chứng vào cuộc sống (ngày 1/7/2007) đến nay, cả nước có 625 tổ chức hành nghề công chứng, gấp gần 5 lần so với trước đây, trong đó có 487 văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, hoặc công ty hợp danh.

Cùng với số lượng công chứng viên tăng từ 393 người lên 1.118 người, dịch vụ công chứng không chỉ đáp ứng nhu cầu của xã hội, mà còn đóng góp vào ngân sách nhà nước 977,5 tỷ đồng trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, tổ chức hành nghề công chứng phân bổ không đồng đều, nhiều địa phương vẫn chưa có văn phòng công chứng; hoạt động công chứng văn bản dịch ra tiếng nước ngoài, hoặc từ tiếng nước ngoài dịch ra tiếng Việt còn phiền phức; hoạt động công chứng chưa có hội nghề nghiệp để quản lý… Vì vậy, cần phải sửa đổi Luật Công chứng để xử lý vấn đề này.

Tình trạng lừa đảo trong giao dịch, cầm cố, thế chấp bất động sản sau khi đã thực hiện công chứng diễn ra khá phổ biến. Như vậy, có phải, chất lượng dịch vụ công chứng “có vấn đề”?

Kể từ năm 2007 đến nay, mới có 2 vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động công chứng được tòa án các cấp xét xử cho thấy, chất lượng dịch vụ công chứng về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Để nâng cao hơn nữa hoạt động công chứng, ngoài việc quy định cụ thể quản lý nhà nước đối với hoạt động này, chúng tôi kiến nghị luật hóa tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động công chứng để giám sát việc tuân pháp luật, đạo đức hành nghề, trình độ, kiến thức của công chứng viên...

Cùng với quy định, công chứng viên, tổ chức công chứng nếu gây thiệt hại cho khách hàng phải bồi thường, vào cuối năm nay, hoặc đầu sang năm, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xúc tiến thành lập Hiệp hội Công chứng Việt Nam và thúc đẩy thành lập hội công chứng ở các địa phương, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của xã hội.

Không phủ nhận thị trường dịch vụ công chứng đã có bước phát triển đáng kể, nhưng thưa ông, để thúc đẩy thị trường này phát triển như các nước trên thế giới, thì việc sửa Luật Công chứng là chưa đủ?

Muốn phát triển thị trường dịch vụ công chứng, cần phải đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này kết hợp việc tiếp tục chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND các cấp sang văn phòng công chứng trên cơ sở chỉ thành lập phòng công chứng tại những địa bàn chưa có điều kiện phát triển văn phòng công chứng.

Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi về tài chính, thuế, mặt bằng…

Về lâu dài, khi sửa đổi Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở... và các văn bản liên quan, cần quy định bắt buộc phải công chứng hợp đồng, giao dịch, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn đối với bất động sản.

Thực tế cho thấy, công chứng là “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch bất động sản, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu “gánh nặng” pháp lý cho tòa án trong việc giải quyết tranh chấp dân sự.

Vì vậy, quy định bắt buộc phải công chứng đối với hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản vừa góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; phòng ngừa vi phạm pháp luật, tranh chấp, khiếu nại trong lĩnh vực bất động sản - lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp; vừa tạo điều kiện thúc đẩy thị trường dịch vụ công chứng phát triển.

Vấn đề đặt ra là, công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không có “lá chắn”, thì văn phòng công chứng, công chứng viên rất sợ thực thi chức năng của mình, bởi họ phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho khách hàng?

Để giảm thiểu rủi ro cho hoạt động công chứng, Bộ Tư pháp kiến nghị luật hóa việc tổ chức hành nghề công chứng.

Theo đó, phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề thông qua hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm về mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, sự kiện bảo hiểm, thời gian bảo hiểm và các nội dung khác có liên quan.

Mạnh Bôn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.