Việc áp dụng mô hình kiến trúc xanh đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm phát triển bền vững ở Việt Nam. Nhận định này được nhiều chuyên gia, kiến trúc sư đưa ra tại Hội thảo "Ngôi nhà xanh Việt Nam" do Viện Goethe vừa tổ chức.
Đối diện những thách thức
Theo PGS TS.KTS Nguyễn Tố Lăng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, phát triển kiến trúc tại Việt Nam hiện nay đang đứng trước khá nhiều thách thức. Đó là tình trạng phát triển chung chung, mờ nhạt, thiếu bản sắc, còn một khoảng cách khá xa với trình độ quốc tế. Đối với xu hướng kiến trúc tiên tiến và đang phát triển trên thế giới như kiến trúc xanh, cách tiếp cận và sự hiểu biết của chúng ta còn rất sơ lược.
Số lượng tài liệu về kiến trúc xanh lưu hành tại Việt Nam chưa nhiều, lại có xuất xứ chủ yếu từ châu Âu hoặc Bắc Mỹ, nơi tập trung cho việc chống lạnh, chứ không phải vấn đề chống nóng và thoát ẩm, cần được đặt lên hàng đầu với điều kiện Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam chưa có hệ thống hành lang pháp lý nhằm khuyến khích và hướng tới việc bắt buộc các nhà tư vấn, các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tuân theo xu hướng thiết kế và xây dựng công trình xanh bền vững. Mặt khác, những nỗ lực phát triển kiến trúc xanh hiện còn riêng lẻ, thiếu sự đồng bộ.

Công trình nhà hàng tre Flamingo Club (Đại Lải) do KTS Võ Hồng Nghĩa thiết kế đã đoạt giải thưởng kiến trúc IAA của Mỹ.
TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện Kiến trúc nhiệt đới cho rằng, việc ứng dụng công nghệ xanh mang lại nhiều lợi ích về mặt môi trường nhưng chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Điều này khiến các doanh nghiệp cũng như hộ gia đình băn khoăn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đang rất khó khăn hiện nay.
Trong khi đó, ông Richard Leech, Giám đốc Tổ chức CB Richard Ellis Việt Nam cho rằng, việc đưa ra một sản phẩm thân thiện với môi trường là việc làm đáng quý, nhưng tại khu vực tư nhân vấn đề lợi nhuận vẫn được đặt lên hàng đầu nên vấn đề này rất ít được quan tâm. Bởi nếu coi công trình thương mại là sản phẩm kinh doanh thì sự tối đa hóa lợi nhuận đó thể hiện qua mức giá cho thuê. Vì vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh, dưới góc độ đầu tư được coi là kém hấp dẫn nếu giá trị cốt lõi của công trình không được phản ánh bằng lợi ích kinh tế. Từ đó, các nhà đầu tư cũng sẽ không mặn mà.
Giải pháp cho “kiến trúc xanh”
GS Frank Schwartze, trường Đại học Công nghệ Cottbus (Đức) chia sẻ, để triển khai mô hình xây dựng tiết kiệm năng lượng, Việt Nam cần áp dụng phương thức thực hiện gồm 5 nhóm: Sự quản lý của Nhà nước; các giải pháp kỹ thuật (với chi phí hợp lý); cơ chế khuyến khích; bí quyết công nghệ (nhằm giảm chi phí và tăng hiệu năng) và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.Ảnh: Thái Bình
Còn ông Yannick Millet, Giám đốc Hội đồng Công trình xanh Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh vai trò quản lý của Nhà nước trong quy hoạch phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam. Theo đó, Nhà nước cần nắm vai trò chủ đạo trong thúc đẩy xây dựng bền vững, trong đó giải pháp cụ thể là xác định, tăng cường các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng chặt chẽ về năng lượng, sử dụng vật liệu và xử lý chất thải. Cùng với đó, Nhà nước cần tham vấn khối tư nhân và các thành phần liên quan để đưa ra những chính sách nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân "xanh". Ông Yannick dẫn chứng thêm, ở một số nước phát triển như Australia, Anh, Singapore…, Nhà nước còn trực tiếp đi đầu làm gương bằng cách áp dụng mô hình xanh cho các công trình có vốn Nhà nước như văn phòng các bộ, chính phủ, trường học, bệnh viện…
Nhiều chuyên gia, kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ quan điểm: Nhận thức về kiến trúc xanh cần được tuyên truyền trong cộng đồng để định hướng xã hội và thúc đẩy phát triển theo hướng kinh tế xanh. Cần có sự phối hợp hành động giữa các tổ chức liên quan như Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam… để sớm đưa ra một bộ tiêu chí đánh giá, giúp hướng dẫn thiết kế và định hướng phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam.
Giới chuyên môn cũng nhấn mạnh, phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam, bên cạnh việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến, rất cần quan tâm tới các khía cạnh nhân văn, khai thác tối đa những lợi thế của địa phương, lấy con người làm trung tâm, tránh việc sùng bái công nghệ mà bỏ qua truyền thống và tiềm năng sẵn có của địa phương.
Mức tiêu thụ năng lượng chung trên thế giới trong lĩnh vực xây dựng nhà ở đô thị chiếm tỷ lệ khoảng 24%. Ở Việt Nam, con số này cao hơn gần gấp hai lần với 54%; trong khi ở khu vực Đông Nam Á là 33%.(Theo Báo cáo cập nhật 2012 của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ - EIA)
Theo Trọng Tùng (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.