Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề nghị Bộ Công an hỗ trợ điều tra, làm rõ những phản ánh về hiện tượng tiêu cực trong công tác thu phí tại các trạm thu phí BOT trên cả nước, nhằm đảm bảo hoạt động thu phí được công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tránh thất thu thuế.
Theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin có phản ánh về hiện tượng tiêu cực tại một số trạm thu phí đường bộ theo hình thức BOT. Bộ GTVT đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, giám sát và kết quả cho thấy, doanh thu thu phí trong thời gian giám sát đều tăng hơn so với thời gian tương đương của các tháng trước đó.
Ví dụ, tại trạm thu phí BOT trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, doanh thu trong những ngày có sự giám sát cao hơn nửa tỷ đồng mỗi ngày so với trước khi thực hiện giám sát. Do không có đủ chức năng và thẩm quyền để điều tra làm rõ có hay không hiện tượng thất thoát doanh thu thu phí, Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an hỗ trợ điều tra làm rõ phản ánh về hiện tượng tiêu cực trong công tác thu phí tại các trạm thu phí BOT trên cả nước, đảm bảo quyền lợi Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
BOT trong giao thông là chủ trương đúng để phát triển hạ tầng giao thông từ nguồn lực xã hội hóa, thay vì chỉ trông vào ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2010-2015, ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, nhưng hạ tầng giao thông vẫn có nhiều thay đổi, phát triển chính là nhờ phương thức đầu tư BOT.
Tuy nhiên, từ một chủ trương đúng đắn, nhưng với nhiều cách thức triển khai thiếu hợp lý, BOT giao thông đã bị người dân, doanh nghiệp và cả xã hội kêu ca trong nhiều năm qua. Người dân và doanh nghiệp kêu “đi đâu cũng gặp trạm thu phí” là một thực tế đang diễn ra. Tại nhiều nơi, như quanh khu vực Hà Nội, TPHCM, các trạm thu phí quá dày.
Đó còn là chuyện đặt trạm ở đường này để thu cho đường khác; hay ngăn cản người dân đi đường miễn phí, bắt phải đi đường thu phí… Vấn đề về BOT và thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Bắc Giang, cầu Hạc Trì (Phú Thọ), cầu Quán Hàu (Quảng Bình)… đã khiến dư luận xôn xao. Quản lý không minh bạch cùng mức phí cao đã khiến người dân bức xúc, doanh nghiệp vận tải khó khăn trong bài toán kinh doanh.
Theo Bộ GTVT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dân kêu BOT giao thông, nhưng lớn nhất là tổng mức đầu tư cao hơn giá trị thực của dự án. Từ đó dẫn tới dự án nào cũng có mức thu phí cao và thời gian kéo dài.
Các chuyên gia kinh tế lý giải rằng, nghịch lý lớn nhất là các doanh nghiệp đầu tư BOT giao thông “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Doanh nghiệp “xin được” dự án, tự xây dựng phương án đầu tư, dự toán kinh phí, thời gian và mức phí; sau đó trình Bộ GTVT xin phê duyệt. Được phê duyệt, doanh nghiệp sẽ tiến hành xây dựng và lập trạm thu phí.
Và câu chuyện “xin - cho” giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng ở đây rất khó kiểm soát, thậm chí đằng sau những dự án BOT giao thông có thể là các nhóm lợi ích. Để xóa bỏ bất cập đó, Nhà nước, trực tiếp là Bộ GTVT cần trực tiếp xây dựng các đề án BOT giao thông với dự toán kinh phí đầu tư, phương án hoàn vốn cụ thể, sau đó doanh nghiệp nào muốn tham gia thì phải đấu thầu.
Khi doanh nghiệp thắng thầu sẽ triển khai dự án và thực hiện thu phí dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. Giá trị thực một dự án BOT sẽ căn cứ vào giá trị đầu tư được quyết toán. Trên cơ sở giá trị quyết toán sẽ tính toán mức phí, thời gian thu phí hoàn vốn đúng giá trị thực tế của dự án, thay cho mức phí, thời gian thu phí đang ở giai đoạn “tạm tính” một cách mơ hồ như hiện nay.
BOT giao thông cũng là một hình thức kinh doanh, và doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh thì cũng có yếu tố may rủi, tức là có thể có lãi hay lỗ. Còn hiện nay, “chạy được” một dự án BOT giao thông là yên tâm, sống khỏe, thu tiền dài dài! Nói cách khác, BOT giao thông những năm qua là mỏ vàng cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư.
Sự minh bạch trong đầu tư, phương án thu phí của các BOT giao thông là điều cần phải công khai. Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, để đánh giá chi phí xây dựng thực tế các công trình giao thông đường bộ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT lựa chọn một số dự án đầu tư xây dựng đường bộ, tổ chức thi công thí điểm 1km đường, trên cơ sở đó xây dựng, điều chỉnh hệ thống định mức dự toán và chi phí đầu tư xây dựng công trình, đảm bảo đúng chi phí thực tế, chống thất thoát, lãng phí. Một lần nữa câu chuyện dự toán giá thành và chi phí trong công trình giao thông đường bộ cũng như BOT giao thông cần được xem lại, đánh giá chính xác, minh bạch.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, một loạt các trạm thu BOT giao thông trên cả nước đã giảm mức phí 15%-20% tùy theo loại xe. Thế nhưng, theo một số chuyên gia, chừng đó vẫn chưa đủ. Nếu kiểm soát chặt chẽ, minh bạch và công khai hơn nữa trong những dự án BOT giao thông, mức phí có thể thấp hơn mà doanh nghiệp đầu tư vẫn thu hồi được vốn và có lợi nhuận. BOT giao thông là chủ trương đúng đắn, nhưng rõ ràng đang có nhiều hệ lụy đi kèm. Cần phải sớm trả lại sự đúng đắn, tính minh bạch và lợi ích thiết thực của nhiều bên trong các BOT giao thông!
Trần Lưu (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.