Với bề dày phát triển và thành tích đáng kể trong ngành cầu – đường, Cienco 5 đang hoàn thiện hồ sơ để bán đấu giá cổ phần theo lô (để thoái vốn Nhà nước) vào 31/12 tới. Trong số tài sản “dắt lưng” của Cienco 5, phải kể tới dự án Thanh Hà Cienco 5 ở Hà Đông, từng làm dậy sóng thị trường.

Tại thời điểm thông báo bán đấu giá cổ phần theo lô, vốn điều lệ của Cienco 5 là 439 tỷ đồng, trong đó cổ phần do Nhà nước nắm giữ chiếm 63,18%. Giá khởi điểm lô cổ phần là 101.861.760.000 đồng. Như vậy, nhà đầu tư như Hải Phát hay Đức Trí (đều là DN mạnh trong lĩnh vực BĐS và đều đăng ký mua 23,18% vốn của Cienco5) phải “tiêu” ít nhất cả trăm tỷ đồng nếu muốn tham gia chi phối hoạt động của Cienco 5 thời hậu thoái vốn nhà nước.

Của để dành, vết thương cũ

Theo quan sát, những công trình – dự án trọng điểm của Cienco 5, hầu hết đều là các dự án cầu đường, gói thầu xây lắp ở khu vực phía Nam. Ngoài ra, ở mảng đầu tư – kinh doanh KĐT, khu dân cư, Cienco 5 chỉ được biết đến tại một vài dự án như Khu dân cư Đông – Nam thị trấn Châu Ổ (Quảng Ngãi), Xây dựng và kinh doanh Khu căn hộ cao tầng Phú Thạnh (Tp.HCM) hoàn thành từ 5 năm trước…

Ở địa bàn phía Bắc,Cienco 5 tỏ ra… kém may mắn khi bắt tay vào dự án Đường trục phía Nam Hà Tây từ trước năm 2010. Với hình thức BT, Cienco 5 được giao dự án đối ứng KĐT Thanh Hà (quận Hà Đông). Còn nhớ, Dự án KĐT Thanh Hà (là một trong hai dự án đối ứng của dự án BT Đường trục phía Nam Hà Tây) có quy mô gần 400 ha, được chia thành hai khu A và B. Đáng chú ý, Khu đô thị Thanh Hà A – B có tổng mức đầu tư tới 6.586 tỷ đồng.

Những năm 2010, dự án Đường trục phía Nam Hà Tây chậm tiến độ và liên tục bị nhà chức trách nhắc nhở. Khởi công từ 2008, đến cuối 2012, Thanh Hà A – B đã phải dừng triển khai chờ khớp nối quy hoạch chung và làm lại quy hoạch chi tiết 1/500.

Tới tháng 7/2014, UBND Tp.Hà Nội chỉ đạo các Sở ngành liên quan sớm phê duyệt QHCT 1/500 KĐT Thanh Hà A và B để trình UBND Tp phê duyệt và làm cơ sở xác định giá trị tiền sử dụng đất của dự án đối ứng và làm cơ sở điều chỉnh hợp đồng BT dự án đường trục phía Nam.

Trước đó, tháng 7/2013, Hà Nội cũng phê duyệt quy hoạch phân khu S4 tỷ lệ 1/5.000 thuộc chuỗi đô thị phía Đông đường Vành đai 4 trong đó có đô thị Thanh Hà A và B. Mới nhất, tháng 7 vừa qua, Hà Nội đã phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch KĐT Thanh Hà – Cienco 5 tỷ lệ 1/500…

Về chi phí để GPMB cho dự án Thanh Hà, nguồn tin báo chí cho hay, thời điểm tháng 9/2014, chủ đầu tư đã chi gần 1.800 tỷ đồng (nhưng vẫn vướng một phần diện tích ở khu A).

Còn “bận” với 3,4 dự án quy mô chờ triển khai, việc Hải Phát nhảy vào thương vụ Cienco 5 rõ ràng có phần “tham”!?

Cơ hội cho ai?

Kể từ khi triển khai đầu tư dự án Thanh Hà, phần lớn thời gian trước, chủ đầu tư Cienco 5 chứng kiến thảm cảnh lình xình, khiếu nại của khách hàng tham gia góp vốn. Chưa hết “tội” chậm tiến độ GPMB, Cienco 5 (hay Cienco 5 Land) bị ít nhiều liên đới trách nhiệm với công ty 1-5 trong vụ bán đất khống Thanh Hà.

Năm 2010, liên quan tới dự án KĐT này, thông tin từ Cơ quan điều tra cho biết, khoảng 500 khách hàng đã nộp tiền cho công ty 1-5 với số tiền khoảng 650 tỷ đồng. Kết quả, hàng loạt lãnh đạo của công ty 1-5 sa vòng lao lý.

Cũng từ đó đến nay, một phần để chờ quy hoạch thông suốt, phần nào đó là e ngại điểm rơi cực tiểu của thị trường BĐS lẫn tâm lý đề phòng của khách hàng, dự án Thanh Hà Cienco 5 tại cửa ngõ phía Nam “im hơi lặng tiếng”.

Trong số ba nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần thoái vốn Nhà nước tại Cienco 5 lần này, Hải Phát được xem là “trong ngành” so với công ty Nam Trí (chủ yếu hoạt động trong thi công, xây lắp hạ tầng kỹ thuật dân dụng và công nghiệp, vận tải hàng hóa…) và công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (chưa từng ghi danh ở thị trường địa ốc phía Bắc).

Về phần mình, Hải Phát tỏ ra “đáng gườm” với số vốn điều lệ hiện tại là 750 tỷ đồng, với danh mục lĩnh vực hoạt động trải dài từ đầu tư, kinh doanh BĐS, chế biến lâm sản… tới kinh doanh đá quý (!).

Trong thông báo đăng ký mua cổ phần khối lượng lớn qua đấu giá (gửi BTC đấu giá Cienco 5) mới đây, DN này thể hiện tham vọng: “Chúng tôi đã chuẩn bị tiềm lực về tài chính và con người để thực hiện những dự án rất lớn trong ngành Giao thông vận tải theo hình thức xây dựng và chuyển giao (BT)”

Danh mục các dự án mà Hải Phát “sắp triển khai” bao gồm: tổ hợp Hải Phát Plaza (trên ô đất xây dựng hơn 12.000m2 tại Nam Từ Liêm, Hà Nội), tòa nhà Đại Đông Á (Đại Kim, Hoàng Mai), Tổ hợp nhà ở, trung tâm thương mại và văn phòng tại ô đất A7/CC2 – Nam Trung Yên, KĐT mới Tây Nam An Khánh (Hoài Đức).

Về tổ hợp nhà ở – dịch vụ thương mại tại A7 Nam Trung Yên tại phường Yên Hòa mà Hải Phát “khoe” là chuẩn bị đầu tư, phía công ty CP Đầu tư tài chính, thương mại dịch vụ FICO (chủ đầu tư) mới đây công bố trong báo cáo phương hướng hoạt động năm 2015 rằng: “Công ty đang phối hợp với đối tác là công ty CP Đầu tư Hải Phát hoàn thiện nốt các thủ tục phê duyệt thiết kế cơ sở và tiến hành thủ tục bàn giao đất để triển khai xây dựng”.

Nguyễn Cảnh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.