“Không thể vì được việc cho mình mà gây bất lợi cho người khác”; “Phải có cách quản lý đúng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho số đông”… Nhiều bạn đọc đã đề nghị như vậy sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng hai bài phản ánh một số điểm bất hợp lý của hai dự thảo nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Làm thủ tục tặng cho nhà người thân tại Phòng Công chứng số 1 TP.HCM. Ảnh: HTD

Người nghèo càng bị thiệt

Nếu Bộ Tài chính thấy tình hình thực tế có lách luật nhiều quá, chính sách bị lợi dụng, quy định có kẽ hở thì sao Bộ không trình Quốc hội sửa Luật Thuế TNCN để khắc phục? Làm như vậy mới hợp pháp và đúng trình tự, còn tùy ý đưa thêm điều kiện hưởng miễn thuế vào nghị định, thông tư hướng dẫn là sai!

Dân ta còn nghèo, nhiều người không có căn nhà riêng nào, một phần có được một căn nhà đã là khá, thử hỏi có mấy ai có trên hai, ba căn nhà để mà tính chuyện tặng, cho người thân để chuyển nhượng và lách thuế? Thử hỏi có mấy ai có nhà to, đất rộng để mà chia ra chuyển nhượng nhiều phần, nhiều lần?

Bộ Tài chính chăm chăm “tránh lách thuế” ở người giàu mà quên là sẽ gây khó khăn chồng chất cho hàng bao nhiêu người nghèo.

Cơ quan quản lý suy diễn là A có hai căn nhà, muốn bán cho B một căn nên tìm cách tặng căn nhà cho C là người thân (được miễn thuế TNCN), sau đó C bán nhà cho B, vì là căn nhà duy nhất của C nên cũng miễn thuế TNCN. Nhưng đâu phải người nào có hai, ba nhà cũng nghĩ cách tránh thuế. Cơ quan quản lý cũng phải thấy rằng việc làm đó cũng có rủi ro cho chính bản thân A, lỡ như C sau khi nhận căn nhà thì lấy luôn, không chịu bán cho B thì sao? Người giàu chấp nhận rủi ro để “đi đường vòng”, nếu Bộ Tài chính chặn đường vòng, người giàu vẫn có đường khác để đi, chỉ có người nghèo là chịu thiệt.

NGUYỄN PHƯƠNG VY (Quận 11, TP.HCM)

Bộ Tư pháp cần can thiệp ngay

Tôi còn nhớ trước đây từng xảy ra trường hợp những người được cấp nhà tình nghĩa bán nhà ngay sau khi nhận nhà. Ngại việc này có thể làm ảnh hưởng đến chính sách nhân đạo của Nhà nước, chính quyền đã ra quy định khống chế đại loại phải được sở hữu nhà bao nhiêu lâu thì mới được bán. Rồi có thời gian vì muốn hạn chế xe cá nhân, chính quyền chỉ cho phép một người đứng tên mua một xe máy… Tất cả ràng buộc này đều trái với Bộ luật Dân sự về quyền sở hữu tài sản của cá nhân nên chỉ sau một thời gian ngắn đã bị bãi bỏ.

Giờ lại có những con số mà người đưa ra cũng đang nhắm tới cái gọi là lợi ích công là chống trốn thuế. Đó là con số 183 ngày sở hữu nhà, là con số một căn nhà hay một thửa đất chứ không được ít hơn mà người sở hữu, sử dụng nhà đất buộc phải tuân thủ nếu muốn bán nhà nhằm giúp Nhà nước kiểm soát được nguồn thu từ thuế. Rất dễ nhận thấy các con số này cũng “phạm quy” tương tự, vậy có nên để chúng ra đời hay phải hủy bỏ ngay từ lúc còn là dự thảo để không gây hại cho bất kỳ ai và kế đó là không làm mất uy tín của các cơ quan có thẩm quyền ký ban hành?

Tôi rất mong Bộ Tư pháp kịp thời “can thiệp” trong trường hợp này để tránh những hệ lụy có thể nhìn thấy trước.

Đừng làm luật theo cảm tính

Cách tính của Bộ Tài chính có thể dễ cho ngành nhưng sẽ hết sức khó cho dân và từ đó có thể làm phát sinh tiêu cực.

banghoang1979@...

Nếu trong hoàn cảnh mới mua nhà khoảng 30 ngày mà kẹt tiền hoặc phải bán nhà trả nợ nhưng lại không được miễn thuế TNCN thì ông cán bộ thuế mới hiểu được nỗi khổ của dân.

phuc_hien@...

l Chúng tôi không đồng tình với lập luận của một cán bộ ở Bộ Tài chính. Bởi lẽ cha mẹ tặng cho con rồi con bán hoàn toàn khác với cha mẹ bán, đóng thuế rồi cho con tiền. Tiếp nữa, vì hoàn cảnh người ta mới bán nhà và tùy trường hợp cụ thể của mỗi gia đình mà người ta bán một nửa hay một phần. Nếu người ta chỉ có một căn nhà thì pháp luật không nên ép bán toàn bộ mới được miễn thuế.

law.phanvu@...

Thúy Hằng (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.