CafeLand – Trước nhu cầu bức bí về nhà ở, số vốn tích lũy khiêm tốn nhưng không ít người vẫn “cắn răng” bỏ tiền để mong muốn sở hữu một chốn an cư. Thậm chí, nhiều người tin lời “cò” mua đất xây nhà không phép để rồi sau đó phải ôm hận vì tiền mất mà nhà thì bị phá bỏ.

Biết sai nhưng vẫn phạm

Trong những năm vừa qua, tình trạng xây dựng nhà không phép xảy ra khá phổ biến tại nhiều quận, huyện ngoại thành của TP.HCM. Trong đó, nổi cộm nhất là các xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B thuộc huyện Bình Chánh.

Ghi nhận thực tế, nhiều tuyến đường tại xã Vĩnh Lộc A như Quách Điêu, đường liên ấp 2 – 6, Sư Đoàn,… là những khu dân cư xen lẫn, nhếch nhác với những ngôi nhà ống nằm san sát nhau ngay cạnh đất trồng rau, ruộng lúa. Một hình ảnh quen thuộc là rất nhiều ngôi nhà ở đây được vây kín bằng tôn, bạt nhưng khi quan sát kỹ thì phía bên trong đã đượng xây bao tường gạch. Một số ngôi nhà đang xây cũng được bao tôn kín mít. Được biết, đây là một hình thức xây nhà không phép được sử dụng để che mắt chính quyền.

Những căn nhà nhà bên ngoài che tôn, bên trong xây tường xuất hiện nhan nhản ở Bình Chánh.

Người dân ở đây cho biết, đa phần đất ở khu vực này là đất nông nghiệp không được cấp phép xây dựng. Một số gia đình có hộ khẩu ở đây vì không có chỗ ở nên xin phép chính quyền xây nhà tạm. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp trường hợp là dân vùng khác đến mua đất nông nghiệp và lén lút xây nhà. Nắm bắt được điều này, có nhiều “cò” xây dựng đứng ra lo liệu, người dân sẽ chung chi cho họ khoảng từ 100 – 200 triệu đồng tùy muốn xây nhà tôn hoặc nhà gạch. Tuy nhiên, đã có rất nhiều trường hợp ngươi dân bỏ tiền chung chi nhưng khi nhà vừa xây xong thì đã bị phá bỏ. “Họ nói đảm bảo không bị phá dỡ nhưng nhiều người vừa làm ở được thì bị xử phạt và cưỡng chế. Nhà bị đập bỏ không có chỗ ở nhưng khi liên lạc với cò thì họ chỉ ầm ừ cho qua chuyện. Chúng tôi mất tất cả, không chỗ ở, tiền gom góp, vay mượn bao năm cũng đi theo”, ông T, một trường hợp xây nhà không phép bị phá bỏ than thở.

Một khu dân cư nhếch nhác tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.

Bà Nhung (quận Tân Bình) cho biết, gia đình mua đất ở xã Vĩnh Lộc A năm năm 2012, để xây xong 2 căn, bà phải bỏ tiền chung chi cho mỗi căn là 60 triệu đồng, nhưng khi nhà làm xong không có một mảnh giấy chứng nhận nào nên luôn phải sống trong tâm trạng lo sợ. Sau một thời gian, bà chấp nhận bán lỗ 1/3 số vốn tháo chạy khỏi đây.

Một cò đất khu vực này cho biết, nếu mua đất phân lô khoảng 60m2 thuộc khu dân cư hiện hữu ổn định có giá khoảng 200 triệu, còn khu dân cư không ổn định khoảng 100 triệu. Đây đều là đất nông nghiệp và không xây được nhà. “cứ mua một vài năm rồi sau đó xem tình hình thế nào thì xin chính quyền sẽ cấp phép” cò này cho biết.

Đặt vấn đề về xây nhà tạm người này tỏ ra ngập ngừng, hiện rất khó để xây được vì chính quyền đang làm gắt, chờ thêm thời gian nữa mới tính.

Chất lượng “rởm” đến lỗ hổng pháp lý

Không liều mình như các người mua ở Bình Chánh nhưng nhu cầu mua nhà đất vùng ven tại nhiều quận thành là rất phổ biến. Dọc các tuyến đường của các quận ngoại thành những tấm bảng quảng cáo rao bán đất nền, nhà phố giá rẻ xuất hiện bất cứ đâu từ cột điện, gốc cây đến bu kín cả cột biển báo giao thông.

Đặc điểm chung của những bảng quảng cáo này là giá cả rất mềm nên dễ dàng thu hút sự quan tâm của người mua. Tuy nhiên, trên thực tế không đơn giản như vậy.

Chị Hòa, người đã mua một căn nhà phố xây sẵn tại quận 12 cho biết, chị mua một căn nhà với giá hơn 1 tỷ, ban đầu ở thì rất tốt, nhà cũng thiết kế đẹp. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, các thiết bị trong nhà như bóng đèn, ổ điện, cửa sổ, gạch nền trong nhà vệ sinh thi nhau hư hỏng. Từ khi vào ở chị đã mất không ít tiền để sửa chữa, nhưng vì chắp vá nên trông không được đẹp như ban đầu.

Đi cùng với chất lượng không đảm bảo là những rối rắm về pháp lý của những căn nhà phố xây dựng sẵn. Thông thường loại hình này được xây dựng liền kề từ vài căn trở lên và phải cùng một sổ chung. Điều này dẫn đến hệ quả rất rắc rối khi người mua muốn bán lại căn nhà sau này.

Vì số tiền có hạn nhưng lại muốn có nhà ở sẵn nên vợ chồng anh Huy chấp nhận mua căn nhà phố xây sẵn tại khu vực huyện Nhà Bè. Căn nhà của anh cùng chung sổ với 5 căn khác. Khi mua anh được nhân viên môi giới đảm bảo yên tâm, khi muốn bán lại chỉ cần ra phường công chứng là xong. Tuy nhiên, sau một thời gian, vì lý do công việc và không muốn đi lại quá xa nên anh muốn bán lại căn nhà thì phải đi xin chữ ký của các hộ còn lại. Trớ trêu chỉ vì một vài mâu thuẫn trước đó nên có hộ đã không đồng ý ký vào khiến anh phải rất khó khăn mới bán được nhà.

Nhiều dự án đất nền bị bỏ quên hạ tầng, tiện ích sau khi bán cho khách hàng.

Tại khu vực quận 9, đất nền đang là điểm nóng với hàng trăm dự án lớn nhỏ đang được chào bán. Trong đó, những dự án nhỏ dạng phân lô, bán nền từ đất vườn rất phổ biến. Giá bán của các sản phẩm này cũng khá thấp nên nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, khảo sát thực tế không ít dự án kiểu này được rao bán rầm rộ với đầy đủ pháp lý tiện ích nhưng thực tế là những khu đất ruộng sình lầy, chưa được phân nền, hạ tầng chỉ có con đường lởm chởm độc nhất. Giấy tờ pháp lý đều đang là sổ chung muốn tách thửa phải chờ.

Tại khu vực này, không khó để bắt gặp những dự án rộng thêng thang nhưng chỉ có một hai căn nhà được xây dựng, người mua lỡ xây nhà để ở phải “khóc mếu” vì dự án cỏ mọc um tùm, thiếu luôn cả các tiện ích cơ bản, và nguy cơ không đảm bảo an ninh rất cao.

Theo một nhà đầu tư lâu năm, những khu đất càng rẻ thì càng phải cận trọng xem xét, người mua đừng tin lời môi giới và nhìn vào mức giá để xuống tiền vì khả năng rủi ro rất cao. Trước khi mua, nên nhờ đến người có kinh nghiệm tư vấn, đi thực tế xem xét dự án và tìm hiểu pháp lý, quy hoạch của dự án.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.