Mai táng ông bà, cha mẹ ngay gần nhà để con cháu gần gũi, chăm sóc nhang khói đã trở thành tập quán lâu đời của không ít người dân Nam Bộ.
Tuy nhiên, trong khi cư dân xung quanh rất bức xúc thì chính quyền vẫn “ngại” xử lý, đành phải chấp nhận sống chung với mồ mả. Vậy đâu là biện pháp để thay đổi tập quán lạc hậu này?
Sợ hãi khi ở chung với mồ mả
Phản ánh về tập quán chôn cất người thân trên “đất nhà”, anh Dương Minh Châu (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) cho biết: Năm 1995, tôi và anh T cùng chuyển nhượng hai thửa đất thổ cư, mỗi thửa 300m2 nằm kề nhau ở ven quốc lộ 61.
Khi tôi về đây cất nhà ở, xung quanh chưa hề có mồ mả, nhưng sau này những người hàng xóm mất được chôn cất ngay trên “đất nhà” ngày càng nhiều nên khu dân cư của chúng tôi người sống ở xen lẫn người chết.
Gần đây, gia đình anh T chuyển về Bảo Lộc sinh sống nên nhượng lại phần đất của mình cho anh P ở thành phố Rạch Giá. Anh P dự định, sau khi hoàn tất thủ tục sang tên chủ quyền sẽ xây hàng rào để làm khu lăng mộ của dòng họ mình.
Dự định này đã gây nên nỗi ám ảnh, sợ hãi ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và tâm sinh lý cho những nhà xung quanh. Vậy, trước yêu cầu của tôi, chính quyền địa phương phải làm gì để anh P từ bỏ ý định làm khu lăng mộ này?
Người trong cuộc như ông Nguyễn Văn Bảy (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) thì hỏi cơ quan tài nguyên, môi trường: “Gia đình tôi được Nhà nước giao 120m2 đất ở trong khu dân cư thu nhập thấp.
Nay chúng tôi tuổi cao, sức yếu lại không có tiền mua đất trong nghĩa trang để lo hậu sự sau này thì có được mai táng trên đất của mình không?”. Pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đều nghiêm cấm hành vi sử dụng đất không đúng mục đích.
Tuy nhiên, từ trước đến nay ở rất nhiều nơi, chủ yếu là vùng nông thôn hoặc vùng ven thành thị đã hình thành một tập quán là chôn cất, xây mồ mả người thân ngay trong sân, trong vườn nhà, mà nguyên nhân do nhiều địa phương chưa dành quỹ đất làm nghĩa địa chung, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục hay còn ngại va chạm, sợ “vi phạm đạo đức” vì “nghĩa tử là nghĩa tận”… nên có biết cũng làm ngơ không xử lý, mà xử lý cũng khó, khiến cư dân xung quanh rất bức xúc.
Nghiêm cấm nhưng thiếu chế tài xử lý
Nhà nước nghiêm cấm “sử dụng đất không đúng mục đích” và “Nghiêm cấm việc lập nghĩa trang, nghĩa địa trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” (khoản 3 Điều 12, khoản 3 Điều 162 Luật Đất đai năm 2013), đồng thời quy định khu mai táng, hỏa táng phải bảo đảm các yêu cầu: Phù hợp với quy hoạch; có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư; không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh (khoản 1 Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường 2014).
Cụ thể hơn, Nghị định 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, hiện vẫn còn giá trị pháp lý, cũng như Nghị định số 23/2015/NĐ - CP ngày 5/4/2016, có hiệu lực từ ngày 27/5/2016 cũng bắt buộc: Thi hài, hài cốt phải được mai táng trong các nghĩa trang với các quy trình rất chặt chẽ về vệ sinh hoặc phải được hỏa táng tại các nhà hỏa táng đáp ứng đủ các điều kiện quy định; các nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ phải di chuyển khi gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan nghiêm trọng mà không có khả năng khắc phục, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng, không phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Quy định thì rõ ràng nhưng hệ thống chế tài xử lý lại chưa thật đầy đủ. Có chăng, tại Điều 15 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh vực y tế nhưng chỉ xử phạt đối với các hành vi: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật về vệ sinh trong quàn ướp, khâm liệm, vận chuyển, bảo quản thi hài, hài cốt của người chết; vi phạm về thời gian cải táng; không bảo đảm điều kiện vệ sinh theo quy định của pháp luật đối với nhà tang lễ, nhà hỏa táng… mà không phạt hành vi chôn cất người thân ngay trong sân vườn, sát nhà dân.
Rà soát chế tài XPVPHC trong lĩnh vực có liên quan như: Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định XPVPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về XPVPHC trong lĩnh vực đất đai; Nghị định số 121/2013/NĐ-CP XPVPHC trong lĩnh vực xây dựng cũng không điều chỉnh xử lý hành vi chôn cất người chết trên “đất nhà” hay tự ý chuyển mục đích sử dụng đất ở sang đất làm nghĩa trang của dòng họ, nên xử lý bằng pháp luật đang là một thực tế khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động kết hợp với quy ước, hương ước làng xã, gắn với sức ép của dư luận cộng đồng dân cư trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó mỗi thôn (ấp) hoặc liên thôn cần quy hoạch đất làm nghĩa trang lâu dài để dần dần làm thay đổi tập quán lạc hậu này
Bùi Đức Độ (PL+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.