Các năm trước, việc xúc tiến các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng thường diễn ra chậm rãi. Thậm chí trong cả năm 2014, không có thương vụ nào đi đến hồi kết.

Thế nhưng trong vòng hơn một tháng đầu năm 2015, đã có rất nhiều câu chuyện rôm rả xung quanh hoạt động sáp nhập ngân hàng.

Hối hả tìm bạn tâm giao

Khoan bàn các thương vụ đã rõ ràng như Ngân hàng Phương Nam bank sáp nhập vào Sacombank vừa được Thủ tướng Chính phủ duyệt đề án, hay thương vụ SaigonBank sáp nhập vào Vietcombank cũng đã được đồng ý về chủ trương, riêng tại TPHCM, nhiều ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ, khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng, đã tìm đến các ngân hàng lớn hơn hoặc tương đương để hỏi han xem họ có nhu cầu sáp nhập hay không.

Theo như tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ thì việc tìm kiếm này là cần thiết, vì với tiềm lực tài chính hiện tại, cho dù không quá yếu, các ngân hàng nhỏ cũng sẽ chật vật nếu muốn cạnh tranh với các ngân hàng lớn, mà nếu có sự sáp nhập thì còn lớn hơn nữa. Vậy nên các ngân hàng nhỏ đang tự thân tìm kiếm đối tác. Như ngân hàng ông cũng đang đàm phán với một số ngân hàng cùng cỡ.

Hẳn nhiên, không phải tự dưng chuyện tìm kiếm đối tác trở nên hối hả như vậy. Một lãnh đạo ngân hàng cho TBKTSG biết trong tháng 12-2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gặp tất cả các ngân hàng để thông báo định hướng năm 2015, nói rõ chủ trương sáp nhập các ngân hàng. Theo đó, NHNN sẽ phân loại rõ các ngân hàng mà NHNN sẽ chủ động tự xử lý, thông qua việc mua lại vốn, hay cho phá sản trong trường hợp không cứu vãn nổi. Còn lại những ngân hàng không nằm trong diện “cấp cứu” nhưng gặp khó khăn cũng phải lên phương án sáp nhập.

Thao thức hai bờ

Trong năm nay, NHNN sẽ quy định chặt chẽ lại việc phân loại nợ, để xác định nợ xấu. Sau đó sẽ buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng, nếu mức trích nhỏ hơn vốn thì bắt buộc phải bổ sung vốn, nếu bổ sung vốn đủ thì NHNN giao cho ngân hàng thương mại tự xử lý, nếu không đủ thì NHNN sẽ có phương án xử lý.

Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ tại TPHCM cho biết năm nay ngân hàng ông đang đứng trước sự chọn lựa khó khăn, còn ông cũng nhiều trăn trở, một là tiếp tục tồn tại với tình hình tài chính như bây giờ, tức hiệu quả kinh doanh thấp, lãi chỉ khoảng 100 tỉ đồng trên vốn chủ sở hữu khoảng 3.000 tỉ đồng (năm 2014), hoặc thấp hơn (do trích lập dự phòng tăng) và “chờ thời”. Hai là tìm đối tác để sáp nhập để nâng vốn, mở rộng thêm chi nhánh, có thể nâng tầm thương hiệu khi vốn điều lệ lên đến 8.000 tỉ đồng.

Nhưng câu hỏi mà ông băn khoăn nhất hiện tại là liệu rồi việc trở thành ngân hàng lớn có thực sự giúp cho ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) tăng một cách đáng kể hay không. Hay ngân hàng sẽ đối diện với sự xáo trộn khi mới “kết hôn” rất lớn vì phải đổi tên, mất đi thương hiệu đã gầy dựng, việc sắp xếp nhân sự sẽ có nhiều vấn đề phải giải quyết. Chưa kể, chuyện nợ xấu hiện đang là khối u nhức nhối, nhập lại rồi có khi còn đau hơn. Ông này cho rằng, chủ trương của Nhà nước đã vậy, chắc chắn ngân hàng không thể không làm. Cho dù làm vậy, phải mất ít nhất ba năm guồng máy mới mới có thể chạy tốt.

Vậy nên giờ ông cũng đang đi tìm hiểu, để chọn lựa một ngân hàng phù hợp, sao cho tình hình tài chính của đối tác không quá xấu, sao cho hoạt động kinh doanh của hai bên có thể bổ trợ cho nhau, giá chuyển đổi cổ phiếu cũng không quá cách biệt. Tuy vậy, sau khi gặp nhiều ông chủ ngân hàng rồi, thì đến giờ ông vẫn chưa chọn được ngân hàng nào. Vì những ngân hàng phù hợp với những tiêu chí trên thì hoặc muốn sáp nhập với các ngân hàng khác, hoặc đưa ra giá chuyển đổi bất lợi cho ngân hàng của ông.

Không chỉ có vị tổng giám đốc nói trên băn khoăn mà nhiều người đang bán tín bán nghi về khả năng hoạt động hiệu quả của một số ngân hàng, dù không có nhu cầu, vẫn phải sáp nhập. Tuy vậy, theo như một lãnh đạo NHNN, nếu không làm, cái khó sẽ vẫn còn đó. Nếu hợp lại rồi, cái yếu cũng còn nhưng NHNN sẽ có nhiều thời gian để “chăm chút” cho từng ngân hàng, bởi số lượng sẽ giảm xuống. Và về lâu dài, Việt Nam cần một hệ thống các ngân hàng hoạt động ổn định, chứ không cần số lượng quá nhiều nhưng nhiều ngân hàng kinh doanh không hiệu quả như hiện nay.

Trên thị trường hiện có nhiều đồn đoán về khả năng một ngân hàng nhỏ sẽ về với Eximbank nhưng ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc khẳng định với TBKTSG trong hết năm nay Eximbank chưa nghĩ đến chuyện sáp nhập. Theo ông Phú, Eximbank cần một thời gian nữa để mạnh trở lại, và việc sáp nhập chỉ thực hiện sau đó.
Thanh Thương (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.