Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư hơn nữa để bà con kiều bào có điều kiện đóng góp cho quê hương.

Năm 2013 dù kinh tế khó khăn nhưng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn đạt số ấn tượng 11 tỷ USD, đưa Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Việc sử dụng nguồn kiều hối được đánh giá có bước chuyển biến tích cực có tác động tốt tới nền kinh tế. Tuy nhiên, nhà nước cũng cần có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư hơn nữa để bà con kiều bào có điều kiện đóng góp cho quê hương.

Việt Nam trở thành nước thứ 9 trên thế giới nhận lượng kiều hối nhiều nhất năm 2013

Lượng kiều hối năm 2013 do Người việt từ khắp nơi trên thế giới gửi về đạt 11 tỷ đô la Mỹ, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 9 trên thế giới nhận lượng kiều hối nhiều nhất. Đồng thời kiều hối năm nay không chỉ tăng nhanh về số lượng và còn mở rộng ở nhiều thị trường mới do sự đóng góp của lực lượng xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Điều đáng mừng là lượng kiều hối đang có sự dịch chuyển tích cực vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì đổ vào thị trường bất động sản. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết kiều hối trên địa bàn chảy vào thị trường bất động sản 10 tháng cuối năm chỉ còn 21%, trong khi đó gần 70% kiều hối được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thế.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, Việt Kiều Mỹ, cho rằng, lượng kiều hối năm 2014 sẽ tiếp tục tăng và Chính phủ cần có chính sách đẩy mạnh hơn nữa sự đóng góp của Việt Kiều. Một trong các biện pháp mà Việt Kiều mong muốn là Chính phủ cho phép Việt kiều mua nhà mua bất động sản ở Việt Nam khi mà còn nhiều giới hạn. Tôi mong qua Bộ Ngoại giao sẽ có kiến nghị đầu tư cho chính sách người Việt Nam ở nước ngoài.

Thực tế, nếu so với mức thu nhập của gần 5 triệu kiều bào, ước đạt 80 tỷ USD trong năm 2013, lượng kiều hối 11 tỷ USD là con số rất đáng kể. Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh con số này lớn hơn tổng giá trị xuất khẩu nhiều ngành nghề lĩnh vực sản xuất trong nước và tương đương 7% GDP của cả nước. Đó là nguồn lực vật chất không hề nhỏ cho đất nước và là động lực quan trọng giúp tăng dự trữ ngoại hối và cân bằng cán cân thăng toán quốc tế giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

“Con số này rất lớn và đem lại nhiều ý nghĩa. Trong tình hình thu nhập của người dân còn nhiều khó khăn, kiều hối giúp nâng thu nhập của người dân. Trong tổng vốn đầu tư hiện nay, khu vực đầu tư dân doanh có suy giảm, có thêm nguồn kiều hối sẽ góp phần tăng được nguồn đầu tư từ nguồn vốn dân doanh, giúp làm tăng cầu tiêu dùng của người dân qua đó giúp giải quyết hàng tồn kho góp phần cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới”- ông Ngân phân tích.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều kiều bào về nước, đầu tư làm ăn ở quê hương. Điều đó cũng chứng tỏ các chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai những năm vừa qua ngày càng phù hợp, đúng hướng, đúng nguyện vọng của kiều bào.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng muốn phát huy tốt nhất nguồn lực của kiều bào, cần thể hiện rõ hơn nữa sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của kiều bào để có những cơ chế chính sách phù hợp, tạo thuận lợi tối đa để bà con kiều bào về nước đầu tư.

Việt Nam đang phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây là yếu tố quan trọng thu hút đông đảo bà con người Việt ở nước ngoài hướng về đất nước. Thời gian tới, Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho lực lượng trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nhân phát huy sở trưởng, làm cầu nối giới thiệu các tập đoàn kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước để ngày càng phát huy nguồn nội lực xây dựng đất nước./.

Hải Yến (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.