Lần lượt những đồ án KĐT, KĐT chức năng quy mô được phê duyệt quy hoạch chi tiết, cho thấy “sân chơi” đầu tư của giới kinh doanh BĐS tại Thủ đô ngày càng mở rộng.

Mới nhất, tổ hợp văn phòng – TTTM – nhà ở rộng gần 11ha tại mặt đường Nguyễn Trãi được Hà Nội chuẩn y (sau thời gian dài nghiên cứu) là điển hình. Trục Tây Sơn - Nguyễn Trãi – Trần Phú vốn ghi dấu hàng loạt dự án, siêu dự án thuộc “tốp đầu” về giá trị kinh doanh của thị trường địa ốc.

Từ Ngã Tư Sở về hướng Hà Đông, là một trong những khu vực có tốc độ phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật bậc nhất Thủ đô nhiều năm qua. Tới nay, trong góc nhìn thận trọng, một số nhà đầu tư từng “gặt hái” tại những dự án nơi đây cho rằng bài toán lợi nhuận – chi phí rủi ro ở khu vực này đã khó hơn giai đoạn trước.

“Trong 2 năm 2013-2014, tôi đã kiếm được gần 1 tỷ đồng nhờ sang nhượng 2 căn hộ cao cấp (ở Royal City, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cho khách cần mua để ở. Cuối năm 2012, tôi đã phải chung vốn với hai nhà đầu tư khác, thậm chí có lúc phải vay cả ngân hàng để duy trì thanh toán cho chủ đầu tư theo tiến độ. Đó là may mắn của những người đầu tư (ít tiền) nhưng chọn đúng dự án, chọn đúng thời điểm xuống tiền” – ông Ngô Vinh, một cán bộ ngành bưu chính nhớ lại.

Căn cơ của kẻ nghèo

Theo một lãnh đạo DN kinh doanh BĐS đặt trụ sở tại quận Thanh Xuân, để cân nhắc độ an toàn của dòng tiền, nhà đầu tư cần minh định: cụm HH của Xí nghiệp Lai Châu, hay GoldSilk của Vinaconex đáp ứng nhu cầu – tài chính của khách hàng bình dân. Còn với Royal City, Sapphire Palace, GoldenLand, PCC1 Complex, Hồ Gươm Plaza, NewSkyline Văn Quán, thì tìm tới người mua có khả năng tài chính vượt trội.

Lựa chọn đầu tư ra sao, trước hết phụ thuộc vào chính hầu bao của nhà kinh doanh. Thứ đến mới là phân tích yếu tố chủ đầu tư lẫn “điểm rơi thị trường”.

Trong mặt bằng chung về khai thác “mỏ vàng” phía Tây Nam, không ít nhà đầu tư chỉ săn tìm cơ hội “đánh bắt xa bờ”

Thông tin rằng Vingroup sẽ được trao quyền tạo lập, phát triển cụm Tổ hợp quy mô trên khu đất “Cao – Xà – Lá” đã được truyền tai từ cuối năm 2014. Tới khi TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết, thực chất cũng không quá bất ngờ với nhiều nhà đầu tư thạo tin. Điều đáng bàn, là tâm thế “sốt xình xịch” đi tìm phương án kết hợp đầu tư vào siêu dự án đô thị (52.000m2 có chức năng làm các tòa nhà hỗn hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở, chiều cao công trình từ 35 - 46 tầng) không xuất hiện rõ nét.

Điều này được lý giải rằng giá trị khu đất mặt đường Nguyễn Trãi của dự án “kim cương” này chắc chắn vượt 72 Nguyễn Trãi thời kỳ 2-3 năm trước. Tuy nhiên còn quá sớm để kỳ vọng vào lợi suất đầu tư ngắn hạn nơi đây.

Lố nhố làng lên phố

Một trong nhiều tổ hợp liền kề - chung cư cao tầng – văn phòng được “làm nóng” thời gian gần đây là dự án Ngọc Sơn Village (thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ). Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây Nam, Chúc Sơn dự kiến sẽ trở thành KĐT sinh thái (Chuc Son Eco Town, theo Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050).

Ít lâu sau khi Ngọc Sơn Village công bố những suất liền kề đầu tiên (từ tháng 2), nhiều đơn vị sàn đã mau mắn khuếch trương sức thanh khoản. Đơn cử, thông tin cuối tháng 7 từ VIC Land, số lượng mở bán đợt đầu của khu liền kề 1 chỉ còn 06 căn (05 dãy nhà ở liền kề 4,5 tầng cung ứng tổng cộng 183 căn).

Trái với cường độ quảng cáo, spam tin nhắn (trên các diễn đàn) về độ hấp dẫn của dự án “Làng Ngọc Sơn”, nhiều nhóm đầu tư riêng lẻ tỏ ra không mặn mà với những suất liền kề thuộc tổ hợp dự án do Chủ đầu tư Lộc Ninh tạo lập.

Lý do, bỏ ra tầm tài chính từ 1,6 tỷ đồng/căn liền kề xây thô gần 70m2 (khoảng 12,8-hơn 13 triệu đồng/m2) không mang lại giá trị lợi nhuận bằng phương án mua đất diện rộng vài trăm m2 để làm nhà vườn.

Dẫn chứng cho lựa chọn của mình, nhà đầu tư trẻ tuổi tên Minh Đức cho biết đang tìm mua khu đất rộng khoảng 250-300m2 ở Chúc Sơn, ưu tiên vị trí tiệm cận QL6 (gần cầu Mai Lĩnh hướng đi thị trấn Xuân Mai).

“Mua đất thổ cư nơi đây có giá chỉ 9 – 11 triệu đồng/m2 tùy vị trí, diện tích. Nếu may mắn tìm được người cần bán, chọn được mảnh 300m2, tổng giá dưới 2,5 tỷ đồng. Sau đó với chi phí xây khoảng 400-500 triệu là hình thành nên nhà vườn. Chủ động quyền sở hữu,tùy ý bố trí thiết kế theo phong cách riêng, rồi túc tắc cho thuê hoặc phục vụ gia đình nghỉ dưỡng cuối tuần tới khi có khách mua, là tốt nhất” – Đức khẳng định.

Phương án nêu trên có cơ sở thực tế. Ngọc Sơn, Chúc Sơn dù đã nằm trong quy hoạch chung, thậm chí đã có dự án tìm về, nhưng bất cứ ai cũng chưa quên bài học đón đầu quy hoạch năm xưa. Năm 2009-2010, bài học “chết lâm sàng” của quá nhiều nhà đầu tư khi rủ nhau tìm về Sóc Sơn, Ba Vì, Mê Linh vẫn nguyên giá trị.

Nguyễn Cảnh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.