Thị trường bất động sản thời gian qua chứng kiến rất nhiều những thay đổi trong đó cuộc chiến đòi quyền lợi của khách hàng diễn ra sôi nổi.

Nhận dạng chủ đầu tư rủi ro

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản chứng kiến hàng loạt dự án đã được chủ đầu tư huy động vốn rồi "đắp chiếu", không triển khai xây dựng hoặc chỉ đào móng bỏ không khiến hàng trăm khách hàng điêu đứng.

Đánh giá về thực trạng trên, Luật sư Lê Vinh – Trưởng Văn phòng luật sư Chương Dương (269, Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng: Những hiện tượng "chây ỳ" tiến độ như Hesco Văn Quán hay một vài dự án khác có thể nhận diện chủ đầu tư này vào thành phần “liều lĩnh”.

Thao tác của họ được quy về một "công thức" chung đó là: huy động tiền khách hàng, dùng tiền đó làm dự án khác, rồi lại huy động tiền khách hàng... nên dự án sẽ mãi là bãi đất hoang hoặc cái móng chung cư.

Cũng có thể, chủ đầu tư liều lĩnh vừa phải. Dự án chưa xin được giấy phép xây dựng, nhưng họ đã dựng mô hình, quảng cáo, chiêu thị, thu tiền của khách.

Nhiều dự án chủ đầu tư "chây ỳ" dự án hiện nay được giới BĐS đánh giá thuộc vào loại người "liều lĩnh".

Việc thu tiền thường thông qua các sàn bất động sản do chủ đầu tư ủy quyền. Hợp đồng ghi một mức giá nhưng khi nộp qua các sàn, người mua phải chấp nhận một mức giá chênh lệch cao hơn. Theo đó, các sàn chỉ cấp cho người mua biên nhận số tiền họ nhận theo hợp đồng. Số tiền chênh lệch hầu như không có giấy tờ chứng nhận gì. Chủ đầu tư thưởng công cho sàn. Khi dự án không được cấp phép xây dựng, chủ đầu tư làm đúng theo hợp đồng là trả lại số tiền có biên nhận. Phần chênh lệch sẽ là con số khá lớn, người mua có thể bị mất trắng.

Luật sư Vinh phân tích, hợp đồng mua bán hiện nay thường được các chủ đầu tư "liều lĩnh" dùng những mỹ từ, cách diễn đạt lắt léo, lời văn khó hiểu với tinh thần buộc người mua phải từ bỏ các quyền lợi còn chủ đầu tư đặt mình vào vị thế không ai có thể chạm tới.

Chủ đầu tư thường không phải trả lại tiền và bồi thường nếu họ chậm giao nhà, nhưng người mua có thể không được mua nhà, chịu phạt những khoản tiền vô lý nếu chậm nộp tiền. Các hợp đồng không quy định giá dịch vụ người mua phải trả và nguyên tắc tăng giá khi vào ở chung cư. Những bất cập kiểu đó có thể thấy trong hầu khắp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Khách hàng có thể cầu cứu các cơ quan pháp luật

Trải qua nhiều năm kinh nghiệm giải quyết những khiếu kiện tranh chấp về hợp đồng BĐS, LS Vinh cho rằng: Hiện nay, chủ đầu tư sử dụng chiêu thức góp vốn xây chung cư, nghĩa là một hợp đồng soạn sẵn, không phải là hợp đồng mua bán. Nếu là góp vốn, trình tự thủ tục góp vốn phải tuân thủ quy định pháp luật, tức là phải có giấy chứng nhận phần vốn góp, có sổ đăng ký cổ đông, có Đại hội đồng cổ đông, có việc bầu Hội đồng quản trị, người góp vốn có các quyền của cổ đông như được xem xét sổ sách công ty, được bầu cử - ứng cử vào các bộ máy công ty. Nếu chủ đầu tư không có đầy đủ giấy tờ trên xem như họ đã vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp này, khách hàng có thể làm đơn tố cáo tội phạm yêu cầu cơ quan pháp luật khởi tố vụ án để điều tra. Việc chủ đầu tư chậm triển khai dự án, có khi gần hết thời gian hoàn thành công việc, mới chỉ làm xong móng nhà, như chúng tôi đã nói, có thể do họ lấy tiền thu được từ dự án này để chi phí cho dự án khác, tại dự án mới, họ lại tiếp tục thu tiền để gom vào dự án nữa. Hành vi này của chủ đầu tư có thể coi là lạm dụng tín nhiệm và nếu người mua có đơn tố cáo tội phạm, chủ đầu tư phải chịu sức ép giải trình – hoàn trả tiền.

Với cam kết thanh toán và đóng dấu treo như thế này, Cty Hạ Long đã sai càng sai hơn

Hầu hết các khách hàng đều phải ký hợp đồng góp vốn với một khoản tiền chênh lệch vài trăm triệu đồng, theo LS Vinh: Đối với những chủ đầu tư thu tiền thông qua đầu mối là các sàn giao dịch bất động sản, hoặc thậm chí là chính kế toán của mình, thu một khoản chênh lệch không ghi biên nhận, đồng thời chỉ chấp nhận trả khoản tiền có biên nhận, người mua nên tập hợp lại thành một nhóm, từng người mua có đơn nói rõ về khoản chênh lệch: Là bao nhiêu? Ai yêu sách chênh lệch? Đã thanh toán cho ai?... gửi cơ quan pháp luật.

Nếu nhiều người thể hiện thống nhất về vấn đề này, cơ quan pháp luật sẽ không thể làm ngơ. Bằng các thao tác nghiệp vụ như thẩm vấn trực tiếp người đứng ra thu tiền, công khai đối chất .v.v… lời khai của nhiều người sẽ được chuyển hóa thành chứng cứ có giá trị.

Còn cam kết thanh toán như trường hợp của Công ty Hạ Long với khách hàng được phản ánh trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam thì hoàn toàn vô giá trị. Một văn bản như vậy phải được người có thẩm quyền công ty ( đại diện theo pháp luật hoặc được đại diện theo pháp luật ủy quyền) ký đóng dấu đúng chỗ.

Hạ Long có thể chối rằng: Khi làm việc với nhà đầu tư, họ chỉ hứa sẽ nỗ lực đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nên mới đóng dấu treo, nhưng do điều kiện không cho phép họ không thể trả tiền như cam kết. Họ biết họ không bị rằng buộc với cam kết dấu treo kiểu này nên mới đóng dấu và không ký như vậy. Hạ Long sai phạm là chắc chắn LS Vinh nhấn mạnh.

Theo P.Thúy (GDVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.