Dự án Hà Nội Time Tower của CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí (PVR) lại bị dừng triển khai sau khi đã thi công xong móng và phần đế. Việc dự án bị dừng thi công, trong khi đối tác lớn là Tập đoàn Đại Dương (OGC) đang tìm cách thoái hết vốn tại PVR khiến số phận dự án này một lần nữa lại bị đặt dấu hỏi?.

Dự án Hà Nội Time Tower lại bị “đắp chiếu” từ nhiều tháng nay

Khởi công xây dựng từ quý IV/2010, nhưng sau đó, Dự án Hà Nội Time Tower bị “trùm mềm” thời gian dài và tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư nổ ra. Đến cuối năm 2012, khi OGC mua 10 triệu cổ phiếu của PVR, tương đương 19,27% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của PVR, dự án này đã được tái khởi động.

Được đại gia “chống lưng”, Hà Nội Time Tower có tiến độ triển khai khá tốt. Dự án đã hoàn thành phần hầm công trình chỉ sau một thời gian ngắn thi công, phần đế cũng được triển khai với tiến độ rất nhanh. Chủ đầu tư sau đó cũng đã quyết định giảm giá bán cho các khách hàng, giúp tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư lắng xuống. Niềm tin của khách hàng đối với dự án phần nào được củng cố, nhất là khi chủ đầu tư không ít lần tuyên bố, Dự án Hà Nội Time Tower sẽ hoàn thiện và bàn giao nhà ngay trong năm 2014.

Khi các khách hàng và mọi người đang nghĩ đến cái kết đẹp cho “câu chuyện Dự án Hà Nội Time Tower”, thì một lần nữa, Dự án đột ngột dừng triển khai. Theo đó, khi được xây dựng đến tầng 5, các công nhân bất ngờ rút hết khỏi công trường và Dự án bị “đắp chiếu” từ nhiều tháng nay. Trong khi đó, lần lượt các cổ đông lớn, trong đó có OGC quyết định thoái hết vốn khỏi PVR. Cụ thể, CTCP Quản lý quỹ Thái Bình Dương đã bán xong toàn bộ 12.494.200 cổ phiếu PVR, tương ứng tỷ lệ nắm giữ 24,07% vốn, trong khi OGC đã bán được gần một nửa số cổ phiếu PVR nắm giữ. Sau 3 lần đăng ký bán, OGC vẫn còn sở hữu 5,124 triệu cổ phiếu PVR, chiếm tỷ lệ 9,91% vốn PVR. Tuy nhiên, tập đoàn này quyết thoái vốn khỏi PVR khi tiếp tục đăng ký bán toàn bộ lượng cổ phiếu PVR đang nắm giữ này từ ngày 7/5 đến ngày 4/6/2014.

Nhiều khách hàng bày tỏ lo lắng về số phận của Dự án Hà Nội Time Tower khi các cổ đông lớn, đặc biệt là OGC rút vốn khỏi PVR, bởi doanh nghiệp này hiện rất khó khăn về vốn. Theo báo cáo tài chính quý I/2014, Công ty tiếp tục lỗ 1,9 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến ngày 31/3/2014 lên hơn 22,8 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty có khoản nợ lên đến gần 1.067 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn, trong khi khoản tiền và tương đương tiến tính đến cuối quý I vừa qua chỉ là gần 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc PVR khẳng định, việc Dự án Hà Nội Time Tower bị dừng triển khai không hoàn toàn do nguyên nhân OGC thoái vốn khỏi PVR.

“Hiện ngoài OGC, PVR còn có 2 ngân hàng lớn khác là cổ đông lớn. Trong khi đó, OGC cũng chỉ là một công ty cổ phần, nên PVR không trông chờ đơn vị này có thể hỗ trợ được nhiều cho Công ty”, ông Tuấn Anh nói.

Liên quan đến Dự án Hà Nội Time Tower, ông Tuấn Anh cho rằng, PVR đã có kế hoạch khởi động trở lại dự án ngay trong tháng 5/2014. Tuy nhiên, hiện niềm tin của khách hàng với chủ đầu tư không còn, nên cần có một tổ chức trung gian uy tín quản lý dòng tiền, đảm bảo nguồn tiền của khách hàng nếu đóng tiếp sẽ được đưa vào dự án. Trong khi đó, dự án cũng phải có ngân hàng đứng ra ứng vốn cho chủ đầu tư.

Về vấn đề này, ông Tuấn Anh tiết lộ, PVR đang đàm phàn để hoàn tất thỏa thuận ký kết hợp đồng tín dụng với một ngân hàng để giải ngân số tiền lên đến vài trăm tỷ đồng phục vụ cho dự án. Tuy nhiên, việc thu xếp vốn ra sao vẫn phải trông chờ vào ĐHCĐ của Công ty trong thời gian tới.

Phương Anh (Đầu tư BĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.