Ngược lại với đề nghị từ Bộ Tài chính, trong những năm gần đây, cổ đông nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam thường có xu hướng lựa chọn việc không chia cổ tức.
Xét về dài hạn, việc tận dụng thêm nguồn lực từ tiền cổ tức không chia sẽ tốt cho khả năng phát triển của ngân hàng
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh câu chuyện Bộ Tài chính gửi công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và VietinBank biểu quyết chia cổ tức bằng tiền mặt, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, trong những năm gần đây, cổ đông nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam thường có xu hướng lựa chọn việc không chia cổ tức. Điều này xuất phát từ việc họ nhận diện rõ thực trạng tài chính, rủi ro tín dụng và nhu cầu tồn tại phát triển của ngân hàng.
Ở góc độ luật pháp, ông có bình luận gì về việc này?
Tại doanh nghiệp nói chung và ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng, mọi quyết định về phân chia cổ tức hằng năm phải do đại hội đồng cổ đông quyết định. Đây là cơ quan duy nhất có thẩm quyết đưa ra quyết định về vấn đề cổ tức dưới hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến. Tỷ lệ biểu quyết luật định là căn cứ pháp lý duy nhất để việc chia cổ tức được tiến hành, không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan, tổ chức bên ngoài nào.
Tuy nhiên, Công văn của Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành việc biểu quyết lại để chia cổ tức tại hai ngân hàng trên vẫn có cơ sở pháp lý. Trước hết, công văn của Bộ Tài chính phản ánh quan hệ liên quan đến lĩnh vực ngân sách Nhà nước giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước, không phải là chỉ thị từ Bộ Tài chính tác động dưới dạng mệnh lệnh trực tiếp đến các ngân hàng.
Xét về cơ cấu vốn chủ sở hữu, BIDV và VietinBank đều là những ngân hàng cổ phần có phần vốn lớn thuộc sở hữu Nhà nước. Theo góc độ quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các ngân hàng này.
Ngân hàng Nhà nước có quyền cử người đại diện vốn tại các ngân hàng, đóng vai trò là đại diện cổ đông, tham gia vào các cơ quan quản trị, điều hành và trực tiếp sử dụng các quyền năng pháp lý theo Luật Tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp. Do vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đề nghị của Bộ Tài chính, cơ quan này có quyền sử dụng quyền năng nội bộ tại BIDV, VietinBank của các nhân sự đại diện vốn để tiến hành triệu tập họp hoặc lấy ý kiến đại hội đồng cổ đông tại các ngân hàng này nhằm biểu quyết lại vấn đề chia cổ tức.
Điều này có nghĩa, Bộ Tài chính đang “có lợi thế hơn” do được hỗ trợ bởi các quy định chính thức?
Khoản 5, Điều 23, Nghị định 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng có quy định: “Việc phân chia phần lợi nhuận còn lại do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định. Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn Nhà nước tại ngân hàng phải lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận còn lại để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông”.
Nếu căn cứ vào quy định trên, đúng là Bộ Tài chính có lợi thế nhất định. Tuy nhiên, “quyền năng” này của Bộ Tài chính cần phải được thực hiện theo cơ chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, đúng thời hạn, thủ tục và phù hợp với lộ trình tổ chức việc ra quyết định về cổ tức của đại hội đồng cổ đông các ngân hàng.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong trường hợp hai đơn vị này vẫn kiên quyết không chia cổ tức, có thể phải xin ý kiến Thủ tướng. Vậy, việc ứng xử với cổ đông nước ngoài sẽ như thế nào?
Nhìn ở góc độ pháp luật, BIDV, VietinBank là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối. Không chỉ riêng lợi thế Nhà nước sở hữu tỷ lệ vốn lớn, khả năng dễ dàng tác động vào bộ khung nhân sự quản trị, điều hành cấp cao tại các ngân hàng cũng là những yếu tố bảo đảm cho các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan có quyền tự quyết mức chia cổ tức tại BIDV, VietinBank.
Ngược lại với đề nghị từ Bộ Tài chính, tôi cho rằng, trong những năm gần đây, cổ đông nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam thường có xu hướng lựa chọn việc không chia cổ tức. Điều này xuất phát từ việc họ nhận diện rõ về thực trạng tài chính, rủi ro tín dụng và nhu cầu tồn tại phát triển của ngân hàng. Nếu như ngân hàng được tận dụng thêm nguồn lực từ phần tiền cổ tức không chia, xét về chiến lược dài hạn sẽ tốt cho khả năng phát triển của ngân hàng. Qua đó, giá trị đầu tư của các cổ đông nước ngoài được gia tăng.
Sự ngược chiều trong cách nhìn của cơ quan đại diện phần vốn Nhà nước và cổ đông nước ngoài có thể ảnh hưởng tới niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông có bình luận gì về vấn đề cổ tức của các ngân hàng trong năm vừa qua?
Sau chu kỳ khủng hoảng vừa qua, sức khỏe tài chính của mỗi ngân hàng mới chỉ đang trong giai đoạn phục hồi. Kết quả kinh doanh một năm chưa thể hiện chính xác, cụ thể mức độ thu hoạch lợi nhuận của ngân hàng, bởi các ngân hàng vẫn đang phải thực hiện các phương án xử lý nợ xấu. Để tồn tại ổn định và phát triển, các ngân hàng đã lựa chọn cách xử lý hậu quả trong quá khứ, chấp nhận những “hy sinh” lợi ích trong hiện tại.
Thêm vào đó, việc dự phòng tiềm lực tài chính cho những yếu tố bất thường, khó khăn từ thị trường trong kinh doanh là điều các ngân hàng cũng tính đến. Tất cả những vấn đề này là nguyên nhân dẫn đến việc đại hội đồng cổ đông các ngân hàng đã ra quyết sách về vấn đề cổ tức. Một khi doanh nghiệp đã nhìn nhận bản thân mình và quy luật thị trường để ra quyết định, có lẽ quyết định đó cần được tôn trọng.
  • Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu BIDV và Vietinbank trả cổ tức vào ngân sách

    Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu BIDV và Vietinbank trả cổ tức vào ngân sách

    CafeLand - Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo người đại diện- phần vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách nhà nước.

  • “Đòi” BIDV, VietinBank trả cổ tức bằng tiền: NHNN đang xem xét

    “Đòi” BIDV, VietinBank trả cổ tức bằng tiền: NHNN đang xem xét

    CafeLand – Liên quan đến việc Bộ Tài chính “đòi” 2 ngân hàng lớn là BIDV, VietinBank trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước, đại diện NHNN cho biết đang xem xét và sẽ báo cáo lên Chính phủ.

  • Vì sao Bộ Tài chính “đòi” ngân hàng trả cổ tức bằng tiền?

    Vì sao Bộ Tài chính “đòi” ngân hàng trả cổ tức bằng tiền?

    Lần đầu tiên, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo BIDV và Vietinbank trả cổ tức bằng tiền mặt. Các chuyên gia cho rằng, điều này thể hiện: Ngân sách đang khó khăn, nhưng cũng là cơ hội “khám sức khỏe”, tái cơ cấu vốn nhà nước tại các nhà băng.

Hồng Dung (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.