Sau 5 năm khởi công, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước rơi vào tình trạng “sống dở, chết dở” do kẹt vốn, nợ nần và chưa triển khai đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối để phục vụ xe ra vào vận chuyển hàng hóa. Lối thoát nào cho dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước hiện nay vẫn còn là câu chuyện thời cơ may rủi, phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của các đối tác.

2 năm không xong 2km đường

Theo quy hoạch, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước kết nối với hệ thống giao thông bên ngoài bằng tuyến đường D3 dài 2,2km. Dự án đường D3 có tổng kinh phí ban đầu 259 tỷ đồng do UBND TPHCM duyệt năm 2011. Tuy nhiên, từ đó đến nay tuyến đường không thể khởi công do chủ đầu tư không thu xếp được nguồn vốn. Hiện tại con đường huyết mạch đi vào cảng này cỏ mọc um tùm, lầy lội.

Để tháo gỡ khó khăn, UBND TP đã làm việc với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhằm có giải pháp ứng vốn cho chủ đầu tư nhanh chóng triển khai làm đường. Nếu không có trở ngại gì, dự kiến tháng 9 tới dự án xây dựng đường D3 sẽ chính thức khởi công.

Tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường D3 duyệt cách đây 2 năm là 259 tỷ đồng, tuy nhiên với số tiền trên nay không đủ. Do vậy, chủ đầu tư cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải TPHCM điều chỉnh thêm 300 triệu đồng do trượt giá.

Sau thời gian dài không có đường vào cảng và phải tạm dừng thi công đã đặt chủ đầu tư và cơ quan quản lý đứng trước nhiều áp lực. Theo tìm hiểu, dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước nằm trên sông Soài Rạp, do CTCP Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước làm chủ đầu tư.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn I trên 2.730 tỷ đồng, tổng diện tích 39ha với hệ thống kho, bãi container, bãi hàng tổng hợp... có khả năng tiếp nhận hơn 8 triệu tấn/năm. Khởi công từ tháng 5-2009, giai đoạn I dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Dự án hiện đã hoàn thành được 28% khối lượng.

Cụ thể, chủ đầu tư đã xây dựng xong 200m cầu tàu số 3, 2 bến phao 20.000DWT, 3 cẩu vạn năng, 6 tàu ngoạm... Các hạng mục khác như cầu tàu số 2 dài 400m cũng đã hoàn thành 60%, xử lý nền đạt 70%, kho hàng rời đạt 34%... Song, như đã nói ở trên, do khó khăn về vốn nên từ tháng 5-2013 dự án này đã phải tạm dừng thi công.

Thiệt hại nặng nề

Hiện nay cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đang khai thác tạm 200m cầu tàu số 3 bằng đường thủy. Với cầu tàu này, từ đầu năm 2013 đến nay cảng Sài Gòn - Hiệp Phước khai thác được sản lượng gần 94.000 tấn với doanh thu trên 2,4 tỷ đồng.

Sản lượng tại cầu tàu và bến phao từ tháng 5-2013 đến nay là 9.000 tấn (3 lượt tàu), doanh thu 484 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy hoạch, cảng sẽ khai thác được khoảng 8,5 triệu tấn/năm.

Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước. Ảnh: MINH TUẤN

Như vậy, việc chậm hoàn thành dự án không những làm vuột mất cơ hội kinh doanh mà còn thiệt hại mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Bi đát hơn, CTCP Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đang nợ nhà thầu trên 150 tỷ đồng. Trong chuyến công tác tại nhóm cảng biển số 5 mới đây, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho rằng chủ đầu tư và chính quyền TPHCM cần sớm triển khai xây dựng cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, cũng như hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ để tránh việc dự án cấp phép rồi bỏ phế.

Việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển TPHCM đúng quy hoạch sẽ giúp hàng hóa của doanh nghiệp lưu thông tốt, giảm chi phí và sử dụng dịch vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển TPHCM còn có vai trò phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành lân cận.

Trao đổi với ĐTTC, một lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn cho biết công ty đang đàm phán với đối tác và tiến hành thủ tục pháp lý để thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án chuyển đổi công năng khu vực Nhà Rồng - Khánh Hội. BIDV sẽ đứng ra thẩm định các đối tác này, đồng thời đóng vai trò cung cấp tài chính cho dự án.

Tuy nhiên vị này chưa tiết lộ danh tính của các đối tác vì vẫn đang trong quá trình đàm phán. Nếu công tác đàm phán giữa chủ đầu tư và các đối tác thành công, các pháp nhân mới sẽ ứng vốn khoảng 1.000 tỷ đồng để hoàn thiện dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.

Trong đó, 700 tỷ đồng dành thực hiện tiếp giai đoạn I và 300 tỷ đồng hoàn thiện dự án đường D3 kết nối với cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. Trước mắt, chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho cảng Sài Gòn ứng vốn ngân sách 150 tỷ đồng để giảm bớt khó khăn về tài chính, giải quyết công nợ với nhà thầu, chống xuống cấp các công trình.

Minh Tuấn (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.