Tuần trước, một nội dung được xem là quan trọng nhất của Thông tư 02 là phân loại nợ đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố lùi thời hạn áp dụng.

Việc hoãn phân loại nợ theo Thông tư 02 khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Ảnh: THANH TAO.

Thông tư 02 với các quy định nghiêm ngặt hơn trong phân loại tài sản, mức độ, phương pháp trích lập cũng như quy định sử dụng khoản dự phòng để xử lý rủi ro có tác động quá lớn đến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng sẽ được NHNN sửa theo hướng cho phép giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản vay tốt nhằm không gây sốc cho thị trường.

Một thông tư tiến gần với chuẩn mực quốc tế giúp Chính phủ bước đầu công khai nhận diện mức độ trầm kha bệnh tình của hệ thống ngân hàng lại được NHNN trì hoãn thi hành phần nội dung quan trọng nhất khiến mọi người không khỏi không đặt dấu hỏi.

Câu hỏi thông thường ai cũng dễ dàng nghi vấn là liệu NHNN đã đầu hàng trước sức ép của các nhóm lợi ích?

Hay như nhận định của giới chuyên môn trong nước và quốc tế, phải chăng căn bệnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã xấu đến mức không thể công bố bởi nếu công khai thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở mức 9-15%, tức cao gấp hai hay ba lần mức hiện tại?

Trong một báo cáo mới đây, công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá cao ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam bằng nhận định các biện pháp của Chính phủ sẽ có tác động tích cực trong khoảng hai đến ba năm tới. Đáng tiếc bức tranh chung của kinh tế Việt Nam đã trở nên xám đi ít nhiều khi triển vọng của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức tiêu cực. Nay bằng việc trì hoãn áp dụng việc phân loại nợ, triển vọng tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng lại tiếp tục phủ thêm lên một màu xám vô cùng bất lợi cho chặng đường phục hồi kinh tế phía trước.

Mặc dù NHNN khẳng định, do không có chuẩn mực thống nhất về cách phân loại nợ nên các cơ quan, tổ chức khác nhau có thể đưa ra số liệu nợ xấu không giống nhau đối với cùng một đối tượng là bình thường. Theo NHNN, nếu tính toán một cách thận trọng, và tính cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%.

Nếu nợ xấu đúng như NHNN công bố thì tại sao lại phải hoãn việc phân loại nợ theo Thông tư 02?
Về phía Chính phủ, thiết nghĩ điều quan trọng khi đánh giá lý do của việc trì hoãn Thông tư 02 là không nên sa đà vào các lập luận từ phía giới chủ các ngân hàng cũng như từ phía NHNN. Bởi nhìn riêng biệt từng phần trong các lập luận của họ nghe có phần nào có lý.

Chẳng hạn như lý giải của Thống đốc NHNN về việc trì hoãn Thông tư 02: “Kết quả có tốt hay không phụ thuộc vào thể trạng người mình điều trị. Sức khỏe hệ thống ngân hàng đã tốt hơn nhiều so với trước đây nhưng chưa khỏe hẳn” và rằng “thuốc tốt thì mới trị khỏi bệnh, dù vậy vẫn còn phụ thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân. Nếu uống 5 viên/ngày, bệnh chuyển nhanh nhưng uống quá liều 10 viên/ngày thì lại hỏng”.

Nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế chung, lập luận của các vị này không khác gì bổ thêm thang thuốc đắng vào các liều thuốc hiện đang dùng để chữa trị cho căn bệnh của kinh tế nước nhà. Do lẽ căn bệnh của kinh tế Việt Nam trong sáu năm qua đã trải qua biết bao nhiêu lần chẩn đoán và kê toa uống thuốc, từ các gói kích cầu hàng tỉ đô la cho đến các giải pháp nới lỏng từng bước chính sách tiền tệ và tài khóa cho đến những nhân nhượng trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên hầu như tất cả các giải pháp trên đều tỏ ra không hiệu quả đối với sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Hơn nữa cho dù có muốn nhưng với nguồn lực quốc gia có hạn như hiện tại Chính phủ cũng không thể áp dụng các biện pháp như thế mãi.

Những tiến triển thời gian gần đây cho thấy phương thuốc hiện đang hỗ trợ cho sự hồi phục kinh tế năm 2014 và những năm sau là sự ổn định về lạm phát, lãi suất và tỷ giá với sự kiên định hiếm khi thấy trong điều hành thị trường vàng. Tuy có yếu tố khách quan do tổng cầu suy giảm nhưng sự ổn định trong các chỉ số này không đến bằng các chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa hay nhân nhượng theo kiểu “ném chuột sợ vỡ bình” mà bằng sự hợp lý trong việc thiết kế chính sách quản lý vĩ mô và sự kiên định trong điều hành.

Ổn định để khôi phục niềm tin tạo đà cho tăng trưởng trong thời gian qua mới là thứ có giá trị nhất mà Chính phủ có thể tạo ra mà lại không mất tiền. Và chúng cho thấy đây là phương thức duy nhất đúng trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại. Vì vậy, bước qua năm 2014, dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm và kỳ vọng NHNN và Chính phủ sẽ dấn thêm một bước quan trọng hơn nữa để thiết lập niềm tin vào nơi thuộc dạng ít có niềm tin nhất hiện nay là hệ thống các ngân hàng thương mại. Sự kỳ vọng đang được thiết lập, nay với tuyên bố mới nhất của Thống đốc về việc hoãn áp dụng quy định phân loại nợ theo Thông tư 02, mọi người không khỏi liên tưởng đến sự lỗi nhịp của NHNN trong nỗ lực của cả hệ thống nhằm đem đến niềm tin mọi người.

Trần Ngọc Thơ (Thời báo kinh tế SG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.