Vài năm trở lại đây, khi các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên lấn dần đất nông nghiệp thì người dân lâm vào cảnh mất đất, mất nghề phải xa xứ kiếm sống...Việc UBND TP Hà Nội ban hành quyết định hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho người mất đất là tin vui với người mất việc do đất bị thu hồi.
Giải pháp dễ thấy của nhiều hộ nông dân khi mất đất là cho con em vào khu công nghiệp Ảnh: Lê Minh
Sẽ hỗ trợ bằng nhiều hình thức
Theo kết quả điều tra của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, tại các vùng mất đất do đô thị hóa và xây dựng khu công nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Hồng có khoảng 70 - 80% số lao động thuộc diện bị thu hồi đất, không chuyển đổi được ngành nghề, phải di chuyển vào các đô thị bán hàng rong hoặc làm các dịch vụ khác.
Theo giới chuyên gia, cứ mỗi hecta đất bị lấy đi sẽ có 10 lao động bị ảnh hưởng. Như vậy, chỉ tính trong vòng 3 năm gần đây, tổng diện tích đất chuyên dụng đã tăng lên 104.422 ha dẫn đến một lượng lớn diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích theo hai hướng chính là phục vụ xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp vừa và nhỏ hoặc phát triển các khu đô thị tập trung theo các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong "công cuộc” lấn đất nông nghiệp, mặc dù, số diện tích đất nông nghiệp được thu hồi chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng diện tích đất nông nghiệp, nhưng do thu hồi mang tính tập trung nên một số xã bị "mất" từ 70 - 80% diện tích, kéo theo nhiều hộ bị thu hồi 100% diện tích, không còn đất sản xuất. Đa phần các hộ bị thu hồi đất tập trung ở Hà Nội (5.469ha), TP. Hồ Chí Minh (4.000 ha), Hải Phòng (4.126 ha), Bắc Ninh (3.800 ha), Bình Dương (3.500 ha... Dự kiến, việc thu hồi đất nông nghiệp trong năm năm tới sẽ ảnh hưởng tới 2,5 triệu người.
Trước tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã ban hành chính sách hỗ trợ mới về học nghề, tạo việc làm và tín dụng cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Theo đó, từ hôm nay 5-10, TP sẽ áp dụng các chính sách hỗ trợ mới về học nghề, tạo việc làm và tín dụng cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Đối tượng được áp dụng là người lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất mà không có đất để bồi thường. TP cũng sẽ hỗ trợ người lao động có nhu cầu vay vốn với mức vay tối đa 20 triệu đồng/chỗ làm việc mới được tạo ra. Người lao động có nhu cầu đi lao động nước ngoài được vay lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chi trả các chi phí cần thiết mà người lao động đóng góp theo quy định ghi trên hợp đồng đối với từng thị trường lao động... Đối với hộ học nghề, TP sẽ hỗ trợ tiền học phí, tiền ăn, tiền đi lại...mức cao nhất tới 20 triệu đồng/người.
Làm không khéo sẽ lãng phí, thất thoát
Trao đổi với Đại Đoàn Kết xung quanh thông tin Hà Nội quyết định hỗ trợ cho người bị thu hồi đất, ĐBQH Bùi Thị An, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng: Giải quyết việc làm cho người dân mất đất là chủ trương lớn đối với một đất nước muốn phát triển bển vững. Bởi nếu không giải quyết được nút thắt việc làm sẽ gây những hệ lụy xấu cho xã hội. Việc Hà Nội có một chính sách như vậy rất đúng, rất trúng nhưng quan trọng là khâu tổ chức thực hiện. Theo bà An, muốn người mất đất có nghề thực sự, cần có các cuộc điều tra tổng thể xem nhu cầu việc làm là gì, người dân thích hợp, thích ứng với nghề gì. Theo đó sẽ tổ chức phân loại từng đối tượng để có phương án hỗ trợ thích hợp chứ không hỗ trợ theo kiểu dàn đều. Quan trọng vẫn là khâu kiểm soát chất lượng, nếu đào tạo dàn trải không thích ứng thì sẽ lãng phí. Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang mắc ở chỗ này. Vì vậy cần tăng cường giám sát. Muốn giám sát tốt phải quy trách nhiệm cho cơ sở đào tạo, chính quyền địa phương có người được hỗ trợ. Tránh chuyện tiền hỗ trợ đã chi mà kết cục dân vẫn thất nghiệp.
Nguyên Khánh (Đại đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.