Nhiều năm qua, việc ồ ạt cấp phép cho các dự án đất vàng rồi để hoang đã để lại những hậu quả nhãn tiền. Dù nhiều địa phương đã xử lý các dự án được giao đất, nhưng chậm triển khai hoặc sử dụng sai mục đích để trục lợi. Không ít dự án đã bị xử phạt hành chính, thậm chí thu hồi quyền sử dụng đất, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều dự án thi công chậm tiến độ, dở dang, gây mất mỹ quan đô thị và bức xúc dư luận.
Nhức nhối những con số
Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng có gần 300 dự án chậm triển khai đã tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Nổi cộm là các khu đất vàng ở trung tâm TP, dự án ven biển. Đặc biệt, trong số 52 dự án ven biển có đến 32 dự án chậm và chưa triển khai. Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, đã khẳng định tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII: “Chúng ta đã cố gắng làm hài lòng các nhà đầu tư. Nhưng vẫn còn nhiều nhà đầu tư không triển khai dự án nên phải thu hồi”.
Tại Hà Nội, ở các dự án thi công chậm tiến độ, tình trạng chủ đầu tư ôm đất dự án rồi bỏ hoang gây lãng phí vẫn diễn biến phức tạp. Theo kết quả rà soát hơn 570 dự án phát triển khu đô thị, nhà ở vừa được Sở Xây dựng Hà Nội tiến hành, có 30 dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng kể từ ngày bàn giao trên thực địa. Nhiều dự án đang trở thành điểm giữ xe, bán bia hơi...
Đáng chú ý, có 17 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng thực hiện chậm hơn 24 tháng so tiến độ được phê duyệt. Kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và UBND các quận, huyện, thị xã cũng cho thấy trên địa bàn Hà Nội có hơn 340 dự án sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích đất gần 2.600ha.
Còn tại TPHCM, theo Sở Xây dựng TP, hiện tại trên địa bàn có hơn 2.500 dự án BĐS, trong đó có không ít dự án thuộc diện treo, nhiều dự án không có động tĩnh gì để đẩy nhanh tiến độ thi công, thay vào đó chủ đầu tư đã cho tư nhân thuê lại để làm bãi giữ xe nhằm thu lợi bất chính.
Thời gian qua, TP đã tiến hành rà soát các dự án được cấp phép xây dựng nhưng không triển khai nhằm thu hồi, hoặc hủy bỏ để mời gọi nhà đầu tư khác. Trong khi theo báo cáo của Sở TN-MT TP, hiện có gần 600 dự án án binh bất động.
Tuy nhiên, khi nhà đầu tư mới xuất hiện, ban đầu rất hăm hở nhưng rồi tiếp tục treo từ năm này sang năm khác, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, hiện nay các quận, huyện trên địa bàn có tình trạng cấp phép đầu tư dự án thiếu căn cứ vào các quy hoạch đất đã được phê duyệt.
Thậm chí có quận cấp phép quy hoạch ngay trên những con đường, lộ giới chưa được mở, dân số và kết cấu hạ tầng không được quy hoạch đồng bộ. Các địa phương vịn vào cơ cấu dân số phát triển trong tương lai để cấp phép xây dựng dự án tràn lan đã phá vỡ quy hoạch.
Những dự án nổi cộm
Giữa năm 2015, các sở, ngành chức năng TP Đà Nẵng phối hợp triển khai việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án treo, gồm: Khu du lịch Đệ Nhất (45.000m2); Khu du lịch giải trí Đệ Nhất (8.000m2, 100% vốn FDI); Khu thể thao giải trí Huy Khánh (4.000m2); Trường dạy nghề lướt ván (800m2).
Đồng thời rà soát việc cho thuê đất, giao đất, triển khai thi công, chuyển nhượng đối với dự án BĐS và du thuyền Đà Nẵng và Khu du lịch sinh thái Ghềnh Bàn - Bãi Đa. Bên cạnh đó, xem xét tính toán lại các dự án Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu; Khu du lịch Nam Phát; Khu du lịch The Nam Khang; Khu du lịch ven biển I.V.C… nếu triển khai chậm hoặc không thể triển khai.
Trong danh mục các dự án thu hồi đất năm nay tại TPHCM có dự án treo nổi tiếng là khu phức hợp Đầm Sen tại phường 3, quận 11. Từ diện tích quy hoạch ban đầu 55ha vào năm 1983, qua 3 đời chủ đầu tư đến nay dự án còn lại... 5,8ha. Một dự án khác treo lâu năm được lên kế hoạch thu hồi đất trong năm nay là dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm lên 30m (đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến ngã năm đài liệt sĩ quận Bình Thạnh).
Dự án này đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2002 với lộ giới 50m. Đến năm 2008 UBND TPHCM điều chỉnh quyết định thu hồi đất, thu hẹp lộ giới đường còn 30m. Từ đó đến nay chính quyền vẫn chưa thu hồi đất của dân do thiếu kinh phí. Một dự án cũng được duyệt kinh phí để thu hồi đất là bãi trung chuyển xe buýt 152 Điện Biên Phủ (phường 25, quận Bình Thạnh) do Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT) làm chủ đầu tư. Dự án này đã có văn bản chấp thuận chủ trương từ năm 2010 nhưng đã bị treo cho tới nay.
Dự án Sky Garden Towers mới xây đến tầng 8 rồi ngưng thi công.
Trong khi đó, UBND TP Hà Nội cũng đang chỉ đạo quyết liệt việc thu hồi các dự án nhà ở thương mại chậm triển khai. Đó là dự án Sky Garden Towers tại số 12, ngõ 115 phố Định Công, quận Hoàng Mai do Công ty TNHH Định Công làm chủ đầu tư có vị trí đắc địa, nằm trong khu vực được quy hoạch đồng bộ, hiện đại. Dự án gồm tòa tháp đôi cao 28 tầng, 2 tầng hầm, 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000 m2, dự kiến hoàn thành vào năm 2014, nhưng đến nay mới xây đến tầng 8 rồi để đó.
Tương tự, dự án khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại khu đất số 131 phố Thái Hà, quận Đống Đa do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư, được cấp giấy phép xây dựng từ năm 2005, với 2 tầng hầm, 11 tầng nổi, 3 tầng kỹ thuật, đã dừng thi công từ năm 2010. Tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân, số 1 đường Thanh Bình (quận Hà Đông), có quy mô 45 tầng nổi, 5 tầng hầm, khởi công đầu năm 2010, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở tầng hầm.
Đánh thuế cao dự án treo?
Theo GS. Đặng Hùng Võ, Luật Đất đai 2014 cũng như những cơ chế, chính sách trước đây vẫn khẳng định Nhà nước sẽ thu hồi đất của các doanh nghiệp, chủ đầu tư nếu sau 12-24 tháng không triển khai, tùy từng dự án cụ thể. Quy định này được cho là thể hiện tính kỷ cương và quyết tâm cao của Nhà nước trong việc khắc phục tình trạng dự án treo, vốn khá phổ biến tại các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong luật vẫn "cố" thêm một dòng rằng “trừ các trường hợp bất khả kháng” - đã vô tình tạo điều kiện cho một số cá nhân, tổ chức có thể lợi dụng điều khoản mở này. Thế nhưng, theo GS. Võ, ngay cả khi Nhà nước có quyết tâm thu hồi đất của các dự án treo cũng không phải là hợp lý. Bởi lẽ, theo phản ánh của một số địa phương, sau khi thu hồi đất của các dự án BĐS bị treo nhiều năm, chính quyền không biết xử lý như thế nào, nhà đầu tư mới không có nhu cầu, cũng không thể trả lại đất cho nông dân, rốt cục vẫn là đất bỏ hoang.
GS. Võ đề xuất thay vì thu hồi đất của các dự án treo, Nhà nước nên đánh thuế việc chậm đưa vào sử dụng với mức thuế suất rất cao. Quy định này sẽ buộc các chủ đầu tư phải tính toán ngay từ đầu và có kế hoạch triển khai dự án. Trong trường hợp dự án đã bị chậm, chủ đầu tư vẫn có thể cân nhắc, tính toán tiếp tục đóng thuế để duy trì quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng dự án cho đối tác khác.
Nếu làm như vậy, Nhà nước vừa không phải lo việc dự án bị bỏ hoang, cũng không phải bận tâm việc tìm nhà đầu tư khác để giao đất sau khi thu hồi của chủ cũ.
“Chỉ những dự án vi phạm mới thu hồi. Các dự án chậm triển khai, Nhà nước nên đánh thuế thật cao và cho họ tiếp tục làm chủ quyền sử dụng đất” - GS. Võ kiến nghị.
Hiện tại nhiều chủ đầu tư xin dự án để dành đất, không làm gì, rất lãng phí cho quỹ đất TP. Do vậy, chặn đứng tình trạng doanh nghiệp “tay không bắt giặt” là một trong những việc phải thực hiện ngay để có được những dự án đúng nghĩa từ các chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện. Từ đó, TP sẽ tạo được quỹ đất sạch để phát triển lĩnh vực BĐS bền vững, đúng định hướng đề ra.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM
Hoài Thanh (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.