Kiên quyết cắt giảm những phần diện tích và loại bỏ các KCN không hiệu quả, không thu hút được dự án, đồng thời thực hiện nghiêm việc đưa dự án đầu tư vào khu vực đã xây dựng cơ sở hạ tầng để đẩy nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng hiệu quả hoạt động của các KCN-KKT.

“Tinh thần là kiên quyết cắt giảm những diện tích, loại bỏ các KCN không hiệu quả, không thu hút được dự án, đồng thời thực hiện nghiêm việc đưa dự án đầu tư vào khu vực đã xây dựng cơ sở hạ tầng”, Phó Thủ tướng nêu rõ. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Sáng 19/3, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban Chỉ đạo phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN-KKT) đã họp bàn việc xây dựng phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo, năm 2014, hoạt động của các KCN-KKT tiếp đà khởi sắc khi thu hút thêm 752 dự án và tăng vốn cho 515 lượt dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 14,7 tỷ USD. Tính riêng trong lĩnh vực sản xuất, tổng vốn FDI vào các KCN-KKT chiếm hơn 90% tổng vốn FDI cả nước.

Một số dự án quy mô lớn tiếp tục đầu tư mở rộng trong KCN như Tập đoàn Samsung đầu tư tăng thêm 5,4 tỷ USD trong năm 2014 (dự án Samsung Display Bắc Ninh 1 tỷ USD, dự án SEVT Thái Nguyên 3 tỷ USD, dự án Samsung tại KCNC TPHCM 1,4 tỷ USD), dự án Hyosung tại Đồng Nai tăng thêm 300 triệu USD.

Lũy kế đến hết năm 2014, các KCN trên cả nước đã thu hút được 5.573 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 85,5 tỷ USD. Vốn đầu tư đã thực hiện đạt 49 tỷ USD, bằng 57% vốn đầu tư đã đăng ký. Các KKT ven biển đã thu hút được 247 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 37 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 13,5 tỷ USD. Các KKT cửa khẩu thu hút được 70 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 700 triệu USD.

Cùng với đó, các KCN-KKT đã thu hút thêm 588 dự án đầu tư trong nước, điều chỉnh tăng vốn cho 196 dự án với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 168.000 tỷ đồng, tăng 6,3 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Trong năm 2014, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của các KCN-KKT đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể: Tổng doanh thu đạt hơn 118 tỷ USD, tăng 18%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 73,4 tỷ USD, tăng 43%, đóng góp 49% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các doanh nghiệp trong KCN-KKT xuất siêu 5,8 tỷ USD, tăng 24%, đóng góp NSNN 87.000 tỷ đồng, tăng 31%; tạo việc làm cho 2,4 triệu lao động, tăng 14,2% so với năm 2013.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, nổi bật là rà soát quy hoạch để nâng cao hơn nữa hiệu quả các KCN, KKT; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng, quy chế quản lý cụm công nghiệp.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từ kỳ họp lần trước, Ban Chỉ đạo đã làm việc với các địa phương, xử lý các KCN hoạt động kém hiệu quả.

Phản ánh từ các Ban Quản lý cho biết, chỉ đạo này đã đi trúng vấn đề trong việc nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí trong đầu tư KCN hiện nay. Với các KCN thuộc nhóm IV (có tỷ lệ lấp đầy thấp; chưa đền bù, GPMB và chưa đầu tư xây dựng hạ tầng), đã có 5 KCN giảm diện tích quy hoạch, chuyển đổi chủ đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các KCN thuộc nhóm V đã triển khai thu hồi và điều chỉnh giảm quy mô hàng ngàn ha tại 2 KCN.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Nâng cao hiệu quả của các “đầu tàu”

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận với tỷ trọng đóng góp lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nộp NS hay giải quyết việc làm, các KCN, KKT thực sự phát huy được vai trò đầu tàu, tạo động lực cho phát triển KT-XH của đất nước.

Tuy nhiên, so với mục tiêu mong muốn, hoạt động của các KCN, KCX cũng như các dự án đầu tư vẫn còn nhiều tiềm năng, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 65% diện tích cần nhanh chóng thúc đẩy mạnh hơn nữa.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tập trung cùng các địa phương tiếp tục thực hiện việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch để báo cáo Chính phủ. “Tinh thần là kiên quyết cắt giảm những diện tích, loại bỏ các KCN không hiệu quả, không thu hút được dự án, đồng thời thực hiện nghiêm việc đưa dự án đầu tư vào khu vực đã xây dựng cơ sở hạ tầng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tương tự là việc rà soát quy hoạch các cụm công nghiệp khi số lượng cụm công nghiệp hiện được đánh giá là nhiều và tản mạn. Nhiều nơi phát triển theo phong trào trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được, đơn cử như tỷ lệ có hạ tầng xử lý đảm bảo môi trường mới đạt 5%.

Một nhiệm vụ quan trọng, được quan tâm khác là nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, mức hỗ trợ đầu tư hạ tầng KCN, KKT. Phó Thủ tướng nêu ra con số 19.000 tỷ đồng thực hiện trong 5 năm qua là chưa đảm bảo yêu cầu và vì vậy, thời gian tới cần tập trung, tránh dàn trải nguồn hỗ trợ, đồng thời kèm với điều kiện thu hút đầu tư xã hội vào xây dựng hạ tầng như đã thực hiện thành công ở một số KCN, KKT thời gian qua.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về việc triển khai các nhiệm vụ về cải cách hành chính, quy chế quản lý cụm công nghiệp, sửa đổi tiêu chí xác định danh mục ngành nghề và DN công nghệ cao, vấn đề nhà ở cho công nhân ở các KCN, KKT…

Hiện cả nước có 295 KCN được thành lập với tổng diện tích 84.000 ha, trong đó, 212 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60.000 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 65% (so với năm 2013 là 62%).

Số lượng các KKT đã thành lập trên cả nước được giữ ổn định là 15 KKT ven biển và 28 KKT cửa khẩu.
Nguyên Linh (Chinhphu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.