Bằng việc ban hành nghị quyết 02 ngày 7.1.2013, Chính phủ chính thức công bố các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng những chính sách này sẽ là “những bếp than hồng” có thể làm ấm lại thị trường bất động sản vốn đang đóng băng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về tính “đi vào đời sống” ở một số giải pháp của nghị quyết này.

CBCNV hiện rất khó có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ mua nhà. Ảnh: thanhnien.com.vn

Một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ chỉ đạo trong nghị quyết 02 là các địa phương có lượng hàng tồn kho sản phẩm bất động sản lớn, sẽ phải hạn chế tối đa sử dụng nguồn từ ngân sách để đầu tư, xây dựng mới nhà ở tái định cư, mà dùng nguồn vốn này và các nguồn tài chính hợp pháp khác để mua lại những dự án nhà ở thương mại phù hợp, phục vụ nhu cầu tái định cư, làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê – mua cho các đối tượng chính sách. Bộ Tài chính tính toán, báo cáo Chính phủ hỗ trợ ứng trước một phần ngân sách cho địa phương giải quyết nhu cầu này. Chính phủ cũng cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê – mua cho các đối tượng chính sách: người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên và làm các công trình dịch vụ như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại đang có nhu cầu nhưng phải phù hợp quy hoạch và điều kiện cơ sở hạ tầng. Trong nghị quyết, Chính phủ yêu cầu bộ Xây dựng có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà xã hội và nghiên cứu áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi để người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức… có thể thuê, mua, thuê mua nhà ở để phù hợp với nhu cầu chính đáng; giao cho ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho những người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý, kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng; đồng thời cho phép các chủ đầu tư dự án đã được giao đất chưa hoàn thành nghĩa vụ về tiền sử dụng đất do có khó khăn về tài chính, được nộp theo tiến độ tiền thanh toán bán hàng trong thời gian tốt đa 24 tháng kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế.

Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, về tài chính, Chính phủ giao cho ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho những người thu nhập thấp thuê, mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp (4 – 6%/năm)… Đây là chủ trương “rất đúng và trúng”, tuy nhiên, theo ông Đực, với tình hình nợ xấu hiện nay thì ít có ngân hàng nào có khả năng làm được điều này. Mặt khác, ai cũng biết hiện nay, số lượng hàng tồn kho bất động sản chủ yếu là những căn hộ lớn giá cao, cho nên số lượng căn hộ đủ điều kiện là không nhiều.

“Những người thu nhập thấp được thuê, mua nhà ở xã hội có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp (4 – 6%/năm)… Đây là chủ trương “rất đúng và trúng”, tuy nhiên, với tình hình nợ xấu hiện nay thì ít có ngân hàng nào có khả năng làm được điều này”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mai, một người dân ở quận Thủ Đức, TP.HCM, nói rằng chính sách thì rất hay, tuy nhiên để vay được tiền mua nhà đối với một người dân – một người thu nhập thấp là điều không hề đơn giản. Có thể tài sản thế chấp chính là căn nhà được mua, nhưng nguồn thu bấp bênh thì khó có khả năng vượt qua cửa “chứng minh thu nhập” để trả nợ cho ngân hàng.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản khác cũng chỉ ra mối lo về tính khả thi của nghị quyết 02, đó là chương trình mua nhà thương mại làm nhà tái định cư khi hầu hết những căn hộ tồn kho hiện nay đều có diện tích lớn và giá cao. Không chỉ lo về nguồn tiền để mua “mớ hàng” này, vị giám đốc trên còn đặt ra câu hỏi rằng Nhà nước sẽ bán được cho ai khi giá thành đã quá cao, cao hơn cả giá thị trường nếu theo phương án của bộ Xây dựng? Nếu như vậy thì chính sách chỉ giúp cứu một số doanh nghiệp chứ không phải là cứu thị trường bất động sản. “Sau nghị quyết, theo tôi, các bộ phải có ngay một thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn những nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra”, vị này đề xuất.

Theo nghị quyết 02, ngay trong quý 1/2013, bộ Tài chính phải phối hợp với bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn quy chế cho vay các đối tượng mua nhà xã hội nêu trên để đảm bảo sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các khoản tín dụng. Bộ Tài chính cũng dành từ 20.000 – 40.000 tỉ đồng thông qua tái cấp vốn, với lãi suất hợp lý và thời gian tối đa 10 năm, tuỳ theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của nhà nước, để tiếp tục phục vụ cho vay đối với các đối tượng trên. Về lãi suất tín dụng sẽ tiếp tục hạ phù hợp với mức giảm của lạm phát.

Theo Tùng Quang (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.