Chính cách làm không khoa học, không có nguồn lực để thực hiện khiến cho việc triển khai quy hoạch hẻm ở TP.HCM bị “đóng băng” suốt nhiều năm.

Lộ giới hẻm làm khổ dân: Cần thay đổi cách làm
Hẻm 325 Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh "treo" nhiều năm qua... - Ảnh: Đình Phú

Ông Dương Hồng Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh, thừa nhận: “Quy hoạch hẻm trước đây mang tính dự phóng, không phù hợp thực tế hiện trạng của khu dân cư dẫn đến việc thực hiện khó vô kể. Quận đang phối hợp các phường tiến hành rà soát lại để sớm khắc phục những bất cập mà Báo Thanh Niên phản ánh”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM Đặng Văn Khoa cho rằng: “Việc quy hoạch tất nhiên phải có để định hướng phát triển cho tương lai nhưng thực trạng quy hoạch hẻm “treo” như trong thời gian qua đã kéo lùi cuộc sống người dân. Người dân lên tiếng về vấn đề này rất nhiều nhưng những kết quả giải quyết thì không được nhiều lắm. Chúng ta phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Người dân trong vùng quy hoạch “treo” phải được xây dựng, sửa chữa nhà ở theo khả năng và nhu cầu của họ; khi giải tỏa thì phải đền bù thỏa đáng theo thực tế. Giải pháp hiện nay cho xây dựng tạm nhưng với điều kiện kèm theo sau này không được đền bù là quyết định chưa thật sự phù hợp với nguyện vọng của người dân, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội”.

Không thể mãi vận động hiến đất

Phương thức đang được các quận huyện áp dụng để mở rộng hẻm là nhà nước và nhân dân cùng làm (dân hiến đất, nhà nước làm hạ tầng), nhưng cách làm này chưa thật sự phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó chủ tịch UBND Q.10, lý giải nguyên nhân: “Do đặc thù đô thị của TP.HCM với đất có giá trị cao nên kết quả vận động dân hiến đất mở rộng hẻm tại địa phương không đạt như mong muốn. Quận đang mở rộng hẻm 227 Lý Thái Tổ (P.9) từ 1,8 m hiện hữu lên 3 m. Hầu hết các hộ dân đều đồng tình, chỉ có duy nhất hộ đầu hẻm là không chịu vì ảnh hưởng đến diện tích đất ở của họ. TP đã có chủ trương cho đền bù 80% số diện tích đất bị thu hồi của hộ đầu hẻm theo giá thị trường nhưng hiện vẫn không có tiền thực hiện”. Ông Trọng cho biết thêm, trên địa bàn Q.10 có 1.500 hẻm, nếu tính bình quân mở rộng mỗi hẻm cần 5 tỉ đồng thì nguồn kinh phí sẽ lên đến 7.500 tỉ đồng. Ngân sách dành cho chỉnh trang ngõ hẻm của quận hiện chỉ từ 1-2 tỉ đồng/năm nên quy hoạch hẻm cứ bị “đóng băng” và chưa biết đến lúc nào mới giải quyết xong.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi cách làm, đó là buộc phải chuẩn bị nguồn kinh phí ngân sách để thực hiện quy hoạch, vì cứ tập trung vào phương án vận động dân hiến đất, thì đối với một số khu vực trung tâm, đặc biệt là những hộ có nhà đầu hẻm ở những tuyến đường lớn trên thực tế là hoàn toàn không khả thi. Trong trường hợp hẻm đã quy hoạch nhưng không có kinh phí đền bù để mở rộng thì phải kịp thời điều chỉnh lộ giới theo nguyện vọng của người dân.

Q.1 là điển hình của việc kịp thời điều chỉnh này. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Chủ tịch UBND Q.1, cho biết: “Tổng số hẻm được quy hoạch lộ giới nhỏ hơn hoặc bằng 12 m trên địa bàn 10 phường thuộc quận là 580 hẻm. Từ 1999 đến nay, khi thực hiện quy hoạch đã phát sinh một số bất cập, do vậy dựa trên cơ sở ý kiến thống nhất của người dân, đảm bảo các tiêu chí về PCCC, giao thông..., quận đã điều chỉnh 144 hẻm và đoạn hẻm, bỏ quy hoạch 89 hẻm...”.

Theo Đình Phú (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.