Vốn là con ngõ nhỏ trong khu dân cư đông đúc, thế nhưng tại ngõ 34 phố Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa - Hà Nội) hiện tồn tại một dãy lán trại được xây dựng tạm bợ gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiêm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh.

Tính mạng người dân bị đe dọa

Khoảng 3 năm trở lại đây, ngõ 34 Hoàng Cầu (đoạn giáp phố Nguyễn Phúc Lai) tồn tại một dãy lều lán, ki ốt được dựng tạm bợ - là nơi ở của những người hành nghề thu gom đồng nát, phế liệu.

Điểm tập kết đồng nát tại ngõ 34 Hoàng Cầu ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe.

Theo quan sát của PV, 2 bên vệ đường xen kẽ giữa những khu đất trống làcác bãi tập kết vỏ nhựa, can nhựa đã qua sử dụng được nhét vào bao tải chất thành từng đống với hàng trăm bao tải phế liệu xếp ngổn ngang cao chót vót.

Bác Nguyễn Thị Mỹ (ở ngách 68/34 Hoàng Cầu) cho biết, khoảng trước năm 2013, lô đất trống này được rào kín, um tùm cây tạp và ngập tràn đất, rác, phế thải. Sau khi được người dân nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm với chính quyền địa phương, thì một phần phế thải đã được dọn đi.

Tuy nhiên, thay vào đó, người ta lại dựng hàng loạt lán trại để làm nơi thuê trọ như hiện nay. Tại đây, mỗi khi hàng hóa được tập kết để chuyển đi thì phần đường ngõ bị các bao tải, gói bọc chiếm dụng đến phân nửa, khiến người điều khiển phương tiện giao thông chỉ còn cách đi hàng một.

Hơn thế, hằng ngày, tiếng cưa đục “giải phẫu” đồ đạc, tiếng đập vỏ lon kim loại vang lên chát chúa, quần áo cũ giăng mắc khắp nơi và treo lơ lửng phía trên đầu người đi đường, gây mất mỹ quan đô thị.

Tệ nhất là nước bẩn từ bên trong các chai, lọ đóng trong bao đang ròng ròng chảy xuống tạo thành từng vũng đặc quánh màu đen kịt, còn ruồi, nhặng thi nhau bu đậu... đã gây ô nhiêm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân xung quanh…

Bác Hoa (sống ở ngõ 34 Hoàng Cầu) lo lắng: “Ai biết được những người thu gom phế liệu không mua những thứ nguy hiểm dễ gây cháy, nổ. Chúng tôi rất lo khi biết các hộ này đều không có giấy phép kinh doanh, vậy cơ quan nào quản lý, kiểm tra? Vẫn biết là họ phải mưu sinh, nhưng còn an toàn tính mạng của người dân chúng tôi thì ai chịu trách nhiệm?”.

Chính quyền khẳng định sẽ giải quyết

Trao đổi với PV, ông Phạm Việt Cừ - Phó Chủ tịch UBND phường Ô chợ Dừa - cho biết, lô đất nói trên vốn là của Hợp tác xã, sau được chuyển đổi thành đất nông nghiệp cho các xã viên, đến nay lô đất đã được chuyển cho thành phố để phục vụ các dự án tái định cư.

Mới đây, UBND phường đã phối hợp với các cơ quan chức năng của quận Đống Đa kiểm tra 6 hộ kinh doanh vật liệu phế thải tại ngõ 34 phố Hoàng Cầu. Qua vận động, đã có một hộ di chuyển, hiện còn 5 hộ vẫn tiếp tục kinh doanh.

“UBND phường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của quận Đống Đa vận động các gia đình bàn giao mặt bằng để phục vụ dự án xây khu di dân tái định cư ao Hoàng Cầu. Thời gian tới, khu vực ngõ 34 Hoàng Cầu sẽ không còn tình trạng trên” - ông Phạm Việt Cừ khẳng định.

Thiết nghĩ, sự quan ngại của người dân là có cơ sở khi môi trường sống ở khu vực nói trên không đảm bảo. Mong rằng, việc giải quyết dứt điểm những tồn tại ở ngõ 34 Hoàng Cầu sẽ sớm được thực hiện, như cam kết của vị Phó Chủ tịch phường Ô Chợ Dừa.

Tuấn Dũng (Lao Động Thủ Đô)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.