Với rất nhiều giải pháp và hành động cụ thể như chia lại phân khúc thị trường, trong đó nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho người thu nhập thấp có khả năng "lên ngôi", thị trường bất động sản (BÐS) đang le lói tín hiệu "rã đông"... Nếu một mặt bằng giá mới được thiết lập, thị trường từng bước được đưa về giá trị thực thì những người thu nhập thấp sẽ có cơ hội mua được nhà.

Thị trường bất động sản đang le lói tín hiệu "rã đông"... Ảnh: Tuyennd

Ðồng loạt khởi công, chuyển đổi

Những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6, đón đầu Thông tư 11 2013/TT-NHNN quy định về cho vay hỗ trợ NƠXH, trên địa bàn Hà Nội đã có sáu dự án mới được khởi công. Công ty CP đầu tư C.E.O (CEO Group) là DN đầu tiên "nổ pháo" tổ chức động thổ xây dựng dự án khu NƠXH tại khu đô thị mới Sunny Garden City (Quốc Oai, Hà Nội). Dự án có diện tích 10.528 m2 với tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Công trình cung cấp 500 căn hộ với diện tích từ 30 đến 70m2/căn, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 (giá bán dự kiến dưới 10 triệu đồng/m2).

Làn sóng đầu tư NƠXH đã bắt đầu "bùng lên" khi những quyết sách ưu đãi đã được Chính phủ thông qua. Theo ý kiến chuyên gia BÐS, việc các DN chuyển hướng đầu tư dự án NƠXH đang là hướng đi đúng và hiệu quả cho nhiều DN kinh doanh BÐS khi dự án nhà ở thương mại gặp vấn đề về thanh khoản. Và mới đây, Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng đã phối hợp với Công ty cổ phần BIC Việt Nam đã động thổ xây dựng dự án khu NƠXH Tây Nam Linh Ðàm. Theo lãnh đạo TP Hà Nội, việc triển khai xây dựng dự án nói trên là bước đệm và tạo đà cho việc triển khai NƠXH tại các dự án khu đô thị mới..., góp phần thực hiện chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 với hơn 24.000 căn hộ.

Tại lễ động thổ xây dựng dự án khu NƠXH ở khu đô thị Sunny Garden, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: Ðây là dự án nhà ở thương mại đầu tiên chuyển đổi sang NƠXH được động thổ trên toàn quốc. Cùng với nhiều chính sách "mở" giúp DN tạo nguồn cung cho thị trường, Nhà nước có nhiều chủ trương hỗ trợ cho các đối tượng người có thu nhập thấp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp và ổn định theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ. Các dự án khu NƠXH vừa được khởi công sẽ là tín hiệu tích cực, kịp thời đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp của TP Hà Nội.

"Cơn sốt" NƠXH, nhà ở cho người thu nhập thấp đang dần tạo được sức hút làm "nóng" thị trường BÐS trong suốt thời gian qua. Làn sóng xây dựng, chuyển đổi dự án thương mại sang dự án NƠXH đang được nhiều DN, kể cả các "ông lớn" tính đến vì kỳ vọng nhận được nhiều ưu đãi cũng như tài chính từ ngân sách Nhà nước để tiếp tục hoàn thiện dự án. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn có 12 dự án khác đã đăng ký xin được chuyển đổi, trước mắt thành phố đã thống nhất chủ trương cho chuyển đổi bốn dự án nhà ở thương mại sang NƠXH... Dự kiến trong năm 2013 này, Hà Nội sẽ cấp phép chuyển đổi cho khoảng 10 dự án...

Ðòn bẩy an toàn thị trường

Từ nhu cầu của thị trường và qua các số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu NƠXH và nhà cho người thu nhập thấp có nguồn cầu rất lớn. Do đó, lựa chọn đúng đắn và cần thiết của các mục tiêu gói kích cầu đầu tư và phát triển NƠXH với quy mô 30 nghìn tỷ đồng để người dân mua, thuê mua NƠXH, với lãi suất ổn định là 6% và thời hạn vay là 10 năm chính thức có hiệu lực từ 1-6-2013. Trên thực tế, khi đầu ra được bảo đảm, các dự án NƠXH được các ngân hàng quốc doanh cung ứng nguồn vốn có lãi suất hợp lý cho người mua và chủ đầu tư, các NHTM cùng tham gia tạo thành một chu trình khép kín giữa khách hàng, chủ đầu tư, các DN tham gia và NH. Vì vậy, các dự án nhà ở thuộc chính sách này rất an toàn. Các đối tượng chính và mở rộng tham gia chuỗi các dự án trong khuôn khổ nêu trên đều đưa nhiều nguồn lực của mình cùng tham gia. Ðó là nguồn vốn tự có 20% của khách hàng, 30% vốn tự có của DN, nguồn lực từ việc đưa hàng hóa là vật liệu xây dựng (VLXD) vào dự án, nguồn vốn thương mại của các NH khác.

Trong tương lai, khi các công cụ tài chính khác được hình thành thì sự tích hợp, tương tác giữa các đối tượng tham gia trong chuỗi dự án này sẽ còn hiệu quả hơn nữa. Ðó là sự hoạt động của Công ty mua bán nợ VAMC, hoạt động các mô hình thí điểm như Công ty tái cho vay thế chấp (mô hình Ma-lai-xi-a), ngân hàng tiết kiệm cho vay nhà ở (mô hình CHLB Ðức)... các định chế này sẽ tiếp tục tạo ra các tương hỗ mới để hỗ trợ khách hàng cũng như các DN liên quan.

Trên tổng thể, các DN là chủ đầu tư, là nhà thầu xây dựng, nhà cung ứng sản xuất VLXD, có nhiều cơ hội được hồi phục hoạt động kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho. Khách hàng được mua các sản phẩm có giá trị phù hợp nhu cầu và khả năng thanh toán với sự hỗ trợ về nguồn vốn lãi suất hợp lý. Dòng tiền trong toàn xã hội được lưu thông, sản phẩm được hình thành cung ứng nhu cầu về nhà ở theo đúng chiến lược phát triển nhà ở của Chính phủ. Ðây chính là đòn bảy an toàn để thị trường nhà ở, thị trường BÐS có cơ hội hồi phục, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, tạo động lực phát triển đô thị theo hướng bền vững, CNH, HÐH.

* Gói 30 nghìn tỷ đồng đã tạo nên đòn bảy tài chính, huy động nhiều nguồn lực khác nhau của nhiều thành phần kinh tế để phục vụ chiến lược phát triển NƠXH, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho thuê. Trong quá trình đó, nhiều hàng hóa tồn kho là VLXD sẽ được tiêu thụ, các DN nhà thầu, nhà sản xuất sẽ được hồi sinh từ trong các khó khăn của những năm qua.

* Tính đến nay, cả nước đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng, trong đó hơn 50 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án NƠTM sang NƠXH, với quy mô 31.000 căn hộ (chủ yếu ở tại các đô thị lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).

Phan Thành Mai (Tổng Thư ký Hiệp hội BÐS Việt Nam)

Báo Nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.