Chính phủ đã quyết định loại bỏ 9 dự án xi măng lớn. Việc này sẽ góp phần hạn chế tình trạng dư cung của ngành xi măng hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng).

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tổng thể quy hoạch của ngành xi măng hiện nay?

Nhìn nhận một cách khách quan, Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2005- 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/2005/QĐ- TTg, ngày 16/5/2005 (gọi tắt là Quy hoạch 108), Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg, ngày 29/8/2011 (gọi tắt là Quy hoạch 1488) được đánh giá là một trong những quy hoạch ngành chuẩn xác nhất bởi đã dự báo gần như chính xác lượng xi măng tiêu thụ, cơ sở dữ liệu rất khoa học và hệ thống…

Đặc biệt, Quy hoạch 1488 có nhiều quan điểm mới, bám sát thực tiễn hơn về đầu tư phát triển các dự án sản xuất mới. Ngoài chỉ tiêu về kỹ thuật như tiêu hao nhiên liệu, điện, chỉ tiêu về phát thải khói bụi yêu cầu ngặt nghèo, Quy hoạch này còn yêu cầu chủ đầu tư phải có vốn tự có tối thiểu là 20% tổng mức đầu tư của dự án.

Đây là quy hoạch mở nên trong quyết định phê duyệt quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng hàng năm, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, tình hình cung- cầu của thị trường, thực tế triển khai các dự án trong quy hoạch, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các cơ chế, chính sách, các giải pháp kích cầu, bình ổn thị trường; điều chỉnh bổ sung danh mục các dự án đảm bảo tính khả thi và phát triển bền vững ngành công nghiệp xi măng; rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án trong quy hoạch được duyệt đảm bảo cân đối cung cầu.

Quy hoạch xây dựng chuẩn xác nhưng thực tế triển khai quy hoạch có phải đang có vấn đề hay không, thưa ông?

Triển khai thực hiện Quy hoạch 108 và hiện nay là Quy hoạch 1488, ngành xi măng Việt Nam ngày càng phát triển, hoàn thiện theo hướng tiệm cận sát với thực tiễn đời sống xây dựng cũng như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Công nghệ sản xuất được đầu tư theo hướng hiện đại hơn, chấm dứt thời kỳ thiếu xi măng kéo dài.

Mô hình doanh nghiệp xi măng tiếp tục phát triển đa dạng theo hướng giảm dần tỷ trọng các doanh nghiệp Nhà nước, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài, giúp tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xi măng ngày càng phát triển theo hướng có lợi cho nền kinh tế, cho tiêu dùng xã hội, tạo ra tài sản cố định lớn hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho trên 60 ngàn người lao động trực tiếp và gián tiếp, nộp ngân sách hàng năm hàng ngàn tỷ đồng...

Trong 19 năm qua, xi măng là một trong những mặt hàng phát huy tốt nhất vai trò bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ, bất chấp nhiều lúc toàn ngành đối mặt với bối cảnh hầu như tất cả các nguyên nhiên vật liệu đầu vào như than, xăng dầu, điện đều tăng giá quá cao so với giá xi măng, bất chấp tỷ giá biến động mạnh, lãi suất ngân hàng bị đẩy lên quá cao...

Liệu có phải do áp lực nguồn cung dư nên Chính phủ đã phải đưa 9 dự án xi măng ra khỏi quy hoạch, giãn tiến độ đầu tư 7 dự án không, thưa ông?

Năm 2010, các doanh nghiệp xi măng bắt đầu hiện thực hóa mục tiêu xóa nhập siêu. Từ năm 2011, chúng ta không phải nhập khẩu xi măng nhưng đây cũng là thời điểm nước ta bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhu cầu xây dựng giảm. Ngành xi măng, sản xuất VLXD cũng như hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp của cả nước phải đối mặt với khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã rà soát các dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2012 đến 2015, đồng thời kiến nghị và được Thủ tướng chấp thuận đưa 9 dự án xi măng công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch, giãn tiến độ đầu tư 7 dự án xi măng sang giai đoạn sau năm 2015.

Sự điều chỉnh đó góp phần đưa cung-cầu xi măng về mức hợp lý nên trong năm 2013 vừa qua, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất VLXD nhưng xi măng vẫn là mảng sáng.

Thưa ông, theo kế hoạch của ngành thì những năm tới mục tiêu của ngành xi măng là đẩy mạnh xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước?

Trước năm 2010 hàng năm chúng ta phải nhập khẩu từ 3,5 đến 4,5 triệu tấn sản phẩm xi măng để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước. Điều đó buộc các nhà hoạch định chiến lược phải suy nghĩ và tìm cách khắc phục.

Trong quy hoạch, nguyên tắc phải bố trí công suất thiết kế dư so với nhu cầu ít nhất 10%. Điều này là cần thiết trong điều kiện bình thường, để tránh những cơn sốt nóng như đã từng xẩy ra, gây mất ổn định cho sản xuất toàn xã hội. Trong điều kiện bất thường như tình hình suy thoái hiện nay thì việc xuất khẩu là một giải pháp tốt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.