Vụ ASIAD 18 với cái giá 150 triệu USD đang tạm lắng xuống vì Chính phủ đã có sự sáng suốt khi quyết định “rút”, thì dư luận lại thêm một lần giật mình với “siêu” dự án 10.800 tỷ đồng để xây nhà hát của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Và không chỉ có dự án “nhà hát” mà còn nhiều dự án khác của Bộ này đều rất “trên trời”, như kiểu tay chơi “tài tử” sướng thì đề ra, chẳng cần biết xót tiền của dân...

Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Bộ VHTT&DL đề cập, theo đó tới năm 2030, 71 nhà hát trên cả nước sẽ được đầu tư xây mới và trùng tu, đại tu. Tại Hà Nội, TP.HCM sẽ xây mới công trình nhà hát quy mô lớn 2.500 - 3.000 ghế. Xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1.000 - 2.000 ghế tại các tỉnh chưa có nhà hát trung tâm. Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2012 - 2020 dự kiến là 10.800 tỷ đồng.

Bảo tàng Hà Nội thường rất vắng khách

“Siêu” dự án tiền tỷ hay sự tư duy tài tử?

Nếu lạc quan và tin vào những con số vừa nêu ra, có lẽ sẽ mừng vui vì Việt Nam như một thiên đường để thưởng thức nghệ thuật biểu diễn. Nhưng nếu tĩnh trí lại thì không khỏi giật mình với dự án “siêu khủng” xây hàng loạt nhà hát, vì sau khi xây thì nhà hát để làm gì? Hiện tại, những nhà hát đang có đã không sử dụng hết công năng, năng suất của nó. Ngay như ở Hà Nội, các nhà hát không phải đêm nào cũng sáng đèn, thậm chí có nhà hát sáng đèn không phải là biểu diễn nghệ thuật mà là cho thuê hội nghị, sự kiện, tiệc tùng ban ngành đoàn thể... Các công trình văn hóa khác thì cũng chung số phận, như tại Thủ đô, trung tâm văn hóa của cả nước, thì những Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Triển lãm Giảng Võ,... chưa khi nào sử dụng hết công năng, để lãng phí rất nhiều. Nhiều nhà bảo tàng xây xong để đó, thậm chí bỏ hoang cho xuống cấp, như ở Hà Nội là Bảo tàng Nhiếp ảnh, Bảo tàng Văn học, Bảo tàng Hà Nội... và rất nhiều bảo tàng khác ở các tỉnh thành trên cả nước.

Chưa kể trong “quy hoạch” của các ngành nghệ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đều có một khoản chi rất khổng lồ để xây dựng cơ sở vật chất, như bên điện ảnh, trong khi phim trường Cổ Loa đầu tư cả trăm tỷ đồng bỏ hoang phế mấy chục năm nay, thì trong “quy hoạch” lại xây thêm 3 phim trường cổ trang cùng một loạt rạp chiếu phim đa năng tầm “quốc tế” tại Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác với số tiền cũng tính lên hàng chục ngàn tỷ đồng. Rồi các “quy hoạch” về bảo tồn di tích, di sản cũng “ngốn” hàng chục ngàn tỷ này để trùng tu, chục ngàn tỷ khác để bảo tồn... mà kết quả thì chỉ thấy phá hơn “trùng”, công tác bảo tồn vẫn cứ ngổn ngang như trận đồ bát quái.

Bối cảnh tại trường quay Cổ Loa rất nhanh hư hỏng sau khi xong một bộ phim

Ngay như dự án cho một Festival “đờn ca tài tử” vui chơi vài ngày cũng “đốt” hết cả mấy ngàn tỷ đồng, “ăn lạm” vào cả tài khoản dành cho các công trình quốc kế dân sinh của tỉnh, để vị đầu tỉnh phải kêu cứu Chính phủ, đến nỗi Thủ tướng phải ra lệnh cắt bớt các khoản chi khác trong ngân sách.

Gần như dự án nào, đề án nào của Bộ VHTT&DL đưa ra đều gặp phải phản ứng gay gắt của xã hội hay cử tri cả nước. Mà phản ứng trước hết bởi số tiền “khủng”, không dự án nào mà không “hét” cả chục ngàn tỷ đồng trở lên, dự án “con” của một ngành cũng vài trăm tỷ. Phải chăng tư duy của những người soạn thảo các dự thảo, đề án của Bộ VH-TT&DL không có kiến thức gì về những con số ngàn tỷ đồng? Hay họ quá “nghệ sĩ”, quá “tài tử” để vống lên những con số không tưởng cho những dự án “trên trời”?

Có hay không một tầm nhìn văn hóa?

GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã nói: “Các nhà lãnh đạo rất thích đề án... Bộ VH-TT&DL không có dự đoán, cũng không thăm dò, khảo sát gì, thích thì xây...”. Hưởng thụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, nâng tầm thẩm mỹ, nhận thức văn hóa của nhân dân để xã hội được tốt đẹp... là cần thiết, thậm chí tối cần thiết trong một xã hội văn minh. Nhưng cách đề ra và làm các đề án, dự thảo văn hóa thì thiếu hẳn một tầm nhìn chiến lược, thiếu hẳn tầm nhìn văn hóa của nhà quản lý.

Thường trong các dự án chỉ thấy những cái “vỏ” vật chất - các công trình xây dựng cơ bản, xây mới, trùng tu..., hay hạ tầng cơ sở, máy móc thiết bị... - ngốn hàng ngàn tỷ đồng, mà không thấy đưa ra cái “ruột” - là việc đào tạo nhân lực cho các ngành văn hóa, không chỉ nghệ sĩ, diễn viên mà còn là những nhà chuyên môn của ngành có nghiệp vụ cao, hay đề cập đến việc tạo điều kiện cho việc sáng tạo để nâng cao số lượng, chất lượng các tác phẩm nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của xã hội và hội nhập với thế giới.

Tầm nhìn chiến lược về văn hóa của quốc gia không chỉ là những thứ bề ngoài, bề nổi, hay sÂự hào nhoáng, hoành tráng, mà là phải nhìn được những hoạt động bên trong nó như thế nào, có xứng tầm với vẻ bề ngoài hay không. Trong các đề án, dự án, dự thảo gần như không có “khoản” nào dành cho cái “ruột”, hoặc nếu có nhắc đến thì cũng rất sơ sài, chung chung, không vạch rõ phải làm thế nào, tiến hành ra sao.

Nền văn hóa quốc gia không thể mang tư duy “tài tử” để đưa ra các dự án, đề cương, dự thảo “trên trời”, thiếu thực tế, thiếu tính khả thi và xem thường đồng tiền thuế của dân. Và trên hết, trước khi đặt bút viết các dự án, dự thảo, đề cương về văn hóa, thiết nghĩ các nhà soạn thảo chiến lược của Bộ VH-TT&DL nên khảo sát một cách khoa học đúng quy trình, ngoài “tầm” nhìn văn hóa còn rất cần phải có cái “tâm” văn hóa để không đưa ra những dự thảo, dự án về văn hóa với cái giá “trên trời” rất “tài tử”.

Minh Châu (Sức khỏe đời sống)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.