Nhiều dự án hạ tầng, dân sinh đầu tư hàng tỉ đồng tại tỉnh Quảng Trị đã không thể phát huy hiệu quả, bỏ hoang hóa, gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội...

Nhà bỏ hoang ở làng sinh thái Lệ Xuyên ở xã Triệu Trạch, H.Triệu Phong, Quảng Trị - Ảnh: Thanh Thủy

Dự án xây dựng Làng kinh tế mới Ngã 5 vùng cát (thuộc xã Hải Vĩnh, H.Hải Lăng) là một ví dụ. Thời điểm triển khai dự án, Chi cục Di dân tỉnh Quảng Trị hỗ trợ đầu tư hệ thống đường dây điện hơn 300 triệu đồng vào làng, cấp cho mỗi hộ một nền nhà, hỗ trợ mỗi hộ gia đình 2 triệu đồng để xây nhà và 6 tháng lương thực. Giữa vùng cát bạc phếch, sự hỗ trợ đó hầu như chẳng thấm tháp, nhưng quan trọng hơn là người dân không có đất sản xuất. Tình trạng này dẫn đến việc hơn 20 trong tổng số 32 hộ được thụ hưởng dự án bỏ làng mới về quê cũ. Đến nay, Ngã 5 vùng cát vẫn như tên gọi, chỉ toàn cát và những ngôi nhà hoang.

Hoang tàn ở làng sinh thái

Tại huyện Triệu Phong cũng xuất hiện tình trạng người dân “tháo chạy” khỏi làng sinh thái. Vào những năm 2002, với sự tài trợ của chính phủ một nước Bắc Âu, huyện triển khai Dự án di giãn dân ra lập làng sinh thái trên vùng cát, bãi ngang ven biển tại các xã: Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Trạch… với khoảng 750 hộ (mỗi hộ được hỗ trợ 8 - 10 triệu đồng để dựng nhà và khoảng 1 ha diện tích đất vườn để sản xuất). Hơn 10 năm triển khai, dù dự án có kết quả nhất định nhưng cũng có hàng chục hộ không chịu nổi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã phải lặng thầm bỏ đi, vứt lại những ngôi nhà hoang. Một người dân cám cảnh: “Phải đi vì nếu càng bám làng thì càng... nghèo”.

Là người nhiều năm gắn bó với việc phát triển kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, thừa nhận một số dự án tái định cư (TĐC) vùng cát chưa phát huy hết hiệu quả. “Vùng cát có nhiều hạn chế về tưới tiêu, đất đai, chưa có cơ sở hạ tầng... chính vì thế đầu tư cái gì ở vùng cát cũng phải tốn kém hơn nhưng không cho hiệu quả một sớm một chiều. Muốn người dân không bỏ vùng cát mà đi thì phải biết gợi mở những loại hình sản xuất phù hợp với vùng cát. Ví dụ như nuôi tôm, trồng cây lâm nghiệp hay thực hiện mô hình nông lâm kết hợp”, ông Bài nói.

Nhà xây xong đã lâu, không thấy dân đâu !

Khu định canh, định cư tập trung thôn Ka Lu - Chân Rò (xã Đakrông, H.Đakrông, Quảng Trị) được triển khai từ 2008, tổng vốn đầu tư xấp xỉ 11 tỉ đồng do Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị là chủ đầu tư. Dự án gồm rất nhiều hạng mục, trong đó có hệ thống đường bê tông, nhà dân, nhà văn hóa cộng đồng, trường học...

Đầu tư như thế, nhưng muốn tiếp cận khu định cư này chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là đi đò vượt sông Đakrông hoặc là phải “bò” theo một con đường ngoằn ngoèo và không thể “xấu” hơn. Sáng 20.3, PV Thanh Niên chọn đường bộ để vào đây ghi nhận thực tế.

Theo quan sát của PV, tại đây nhiều nhà dân được làm bằng gỗ, do không có ai ở nên đã nứt toác, hư hỏng. Nhà văn hóa cộng đồng và trường học dù được xây dựng khá khang trang bằng gạch nhưng không có dấu hiệu... được sử dụng. Bàn ghế tại cả hai công trình được xô về một góc, bụi bám đầy, trong khi bên ngoài khuôn viên cỏ mọc um tùm.

“Ban đầu dự án quy hoạch sẽ định cư cho 70 hộ dân, về sau chỉ còn 30 hộ nhưng hiện chỉ mới có 13 hộ lên ở. Dân không lên nên nhà cửa bỏ hoang, trường cũng không thể mở cửa. Công trình cứ để phơi mưa phơi nắng vậy thì việc xuống cấp là chuyện không sớm thì muộn”, ông Hồ Văn Nhớ, Bí thư Đảng ủy xã Đakrông, than.

Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó chủ tịch UBND H.Đakrông, cho hay đã nhiều lần vào kiểm tra thực tế dự án, gần nhất vào tháng 2.2014. “Theo phản ánh của người dân, họ không lên khu định cư là vì không có đất sản xuất. Lâu nay người dân đã có nương rẫy để canh tác ở nơi cũ, còn lên khu TĐC mới dù đất còn nhiều nhưng thuộc sở hữu của người khác hết rồi. Một số phản ánh khu vực bố trí nhà ở cũng khá chật chội. Huyện rất mong muốn chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với huyện, lấy ý kiến của dân, thực hiện dứt điểm việc này không thì lãng phí lắm”, bà Cúc nói.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Núi, Phó ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị, cho rằng: “Cái khó của khu định cư là do đoạn đường từ đường Hồ Chí Minh đi vào trung tâm được huyện đầu tư từ năm 2005 hơi dài lại xuống cấp trầm trọng. Nếu đường không được khắc phục thì bà con không thể vào ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Thêm nữa, dự án này lập lâu rồi nhưng vẫn có một số hạng mục còn thiếu. Vừa rồi theo chỉ đạo của tỉnh, ban đã rà soát các dự án định canh định cư, gửi dự toán ra T.Ư xin thêm kinh phí để hoàn thiện, nhưng bây giờ chưa có hồi âm”, ông Núi khẳng định.

Trả lời câu hỏi của PV về việc sẽ xử lý như thế nào với các nhà định cư chưa có người sử dụng đã hư hỏng, ông Núi cho biết: “Chúng tôi làm việc với xã rồi thống nhất là hộ nào vào ở thì phải tự bỏ kinh phí tu sửa (?). Vì đó là trách nhiệm của họ, họ hứa thì họ làm”.

Nguyễn Phúc (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.