Số liệu điểm ngập đang “nhảy múa”, khó hiểu. Có những trận mưa vũ lượng nhỏ, đường vẫn ngập.

10 năm qua, TP.HCM đã đầu tư hơn 24.300 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD) chống ngập. Từ nay đến năm 2020 cần thêm gần 100.000 tỉ đồng. Với những khoản tiền đầu tư khổng lồ này, TP.HCM có hết ngập?

Sau những trận ngập kinh hoàng trong tháng 9-2016, người dân TP.HCM cứ thấy mưa là sợ. Nhiều người ám ảnh đến nỗi chiều xuống, hễ thấy trời chuyển mây đen là tranh thủ lo chạy về nhà, không màng đến chuyện khác. Vì sao TP.HCM đã đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng vẫn cứ có mưa là ngập?

Nước dồn hết ra đường

Vào những ngày mưa lớn, đường Tô Ngọc Vân, đoạn gần tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức, TP.HCM) chẳng khác nào dòng thác bởi lượng nước từ các hướng đổ về đây quá lớn, cống không thoát kịp. Có hôm nước chảy mạnh đến nỗi cuốn trôi cả xe máy. Đây là một trong những tuyến đường có độ dốc cao nhất TP nên chuyện nước chảy từ chỗ cao về chỗ trũng là điều dễ hiểu. Tại sao nước không đi xuống cống mà dồn, chảy ào ào trên mặt đường như thế?

Theo lý giải của Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM, một nguyên nhân chính gây ngập nặng trong những ngày vừa qua là do lượng mưa quá lớn, vũ lượng vượt xa tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước của TP.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, trên thực tế không phải khu vực nào bị ngập cũng diễn ra theo “kịch bản” như thế. Điển hình là tình trạng ngập ở đường Tô Ngọc Vân. Cụ thể, sau những trận ngập kinh hoàng ở đoạn tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng, chúng tôi nhận thấy hầu hết miệng thu nước ở đoạn trên cao đều bị lấp bít, đọng nước. Điều đó cho thấy nước mưa không thể chui vào cống được nên phải chảy ra đường.

Trong đề xuất hiến kế chống ngập vừa gửi cho Thành ủy TP.HCM vào đầu tháng 10-2016, kỹ sư Nguyễn Văn Sự (có hơn 20 kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn xây dựng) cho rằng nguyên nhân ngập ở nội thành TP.HCM là do khả năng thoát nước bằng cách chảy tự nhiên trong hệ thống cống thoát nước rất kém. Ông Sự phân tích: “Các tuyến đường ở TP.HCM từ thời Pháp, Mỹ và hiện nay không đồng nhất về độ cao. Đường làm sau thường cao hơn đường làm trước. Do đó khi có mưa, nước sẽ từ những khu vực cao chảy tràn về vùng trũng gây ngập”.


Hàng chục ngàn tỉ đồng đã chi cho công tác chống ngập nhưng cứ có mưa, người dân TP.HCM lại nơm nớp sợ ngập. Ảnh: NGUYỄN TÂN



Một biển cảnh báo nguy hiểm khi đường sá ở TP.HCM mênh mông nước. Ảnh: KB

Số điểm ngập... rối tung

Theo dõi diễn biến về tình trạng ngập nước trên ở địa bàn TP, một lãnh đạo của Sở GTVT nói rằng bản thân ông không thể hiểu được tình trạng ngập tăng hay giảm cũng như nguyên nhân do đâu. “Ba năm qua, tình trạng ngập nặng đều diễn ra vào tháng 9. Trận mưa lớn nhất trong năm 2014 ngập 29 điểm, năm 2015 ngập 72 điểm, năm nay lại ngập 59 điểm. Theo báo cáo của Trung tâm Chống ngập là do mưa lớn, vũ lượng tăng nhưng không thể giải thích chung chung như thế mà cần phải phân tích theo lưu vực hoặc theo từng điểm ngập thì mới biết được thực trạng ngập của TP diễn biến như thế nào” - vị này bày tỏ.

Trong một công văn gửi cho Trung tâm Chống ngập vào tháng 6-2016 (thời điểm chưa có mưa to), Sở GTVT cho biết có nhiều tuyến đường bị ngập dù lượng mưa không lớn. Cụ thể, đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) bị ngập khi mưa chỉ 17,9 mm, đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) ngập khi lượng mưa chỉ 8,4 mm hay đường An Dương Vương bị ngập khi lượng mưa chỉ có 25 mm. “Từ số liệu theo dõi ngập trong sáu tháng đầu năm 2016 cho thấy công tác quản lý, thống kê các điểm ngập trên địa bàn TP còn bất cập, chưa có số liệu ngập đối chiếu từng năm để đánh giá, phân tích xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp chống ngập hiệu quả” - Sở GTVT nhận định.

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP, tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 8 có 25 trận mưa gây ngập, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2015. So với cùng kỳ năm 2015, số điểm ngập tăng 16% (37 điểm năm 2016 so với 32 điểm năm 2015). Một cán bộ Sở GTVT cho biết nếu tính các trận mưa ngập trong tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, số điểm ngập trên địa bàn TP trong 10 tháng qua sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm 2015.

Hiệu quả chưa rõ ràng

Trong một báo cáo của UBND TP.HCM cho biết trong 10 năm qua (tính đến năm 2015), tổng kinh phí chi cho công tác chống ngập của TP đã hơn 24.300 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách khoảng 9.000 tỉ đồng, vốn vay ODA khoảng 15.000 tỉ đồng. Có điều các dự án này cũng chỉ mới tạo ra được khoảng 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch chống ngập. Tính đến hết năm 2014, tổng dư nợ vay của TP.HCM đã hơn 25.100 tỉ đồng. Dự kiến trong năm năm tới, bình quân mỗi năm TP phải bố trí khoảng 4.250 tỉ đồng để chi trả nợ gốc và lãi vay các dự án chống ngập.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những dự án chống ngập có mức đầu tư lớn, số công trình chống ngập nhỏ trên địa bàn TP.HCM nhiều đến mức không đếm xuể. Chỉ tính trong năm 2016, số công trình chống ngập cấp bách có mức đầu tư dưới 500 triệu đồng/công trình đã và đang thực hiện lên đến 70 công trình. Ngoài ra, chi phí cho công tác nạo vét duy tu và quản lý hệ thống cống thoát nước trong tám tháng đầu năm 2016 đã hơn 110 tỉ đồng…

Kỹ sư Lê Thành Công, người có nhiều năm nghiên cứu về thực trạng ngập ở TP.HCM, cho rằng TP đã đầu tư rất nhiều tiền cho công tác chống ngập nhưng đến nay vẫn chưa rõ hiệu quả ra sao. “Theo tôi, cần phải có những đánh giá cụ thể về hiệu quả các dự án chống ngập. Nếu cứ đổ hàng đống tiền ra chống ngập mà không biết có hiệu quả hay không thì sẽ lãng phí” - ông Công bày tỏ.

Bốn năm cần hơn 97.200 tỉ đồng

Theo Trung tâm Chống ngập, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn để thực hiện các dự án chống ngập cho TP là 97.298 tỉ đồng. Hiện các dự án đã có nguồn vốn và đang triển khai là 22.948 tỉ đồng. Nguồn vốn còn lại cần huy động là 74.350 tỉ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách TP là 6.967 tỉ đồng. Theo đó, mỗi năm TP cần chi 1.400 tỉ đồng dùng để đầu tư xây dựng và cải tạo các tuyến cống, kênh thoát nước, nước thải thuộc các dự án trong Quyết định 752 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, hằng năm TP giao cho quận/huyện thực hiện nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các tuyến hẻm bằng nguồn vốn phân cấp khoảng 537 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo Trung tâm Chống ngập, tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ vay của TP là 25.115 tỉ đồng, gồm 14.669 tỉ đồng vay trong nước và 10.446 tỉ đồng là tiền vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Dự kiến trong năm năm tới (2016-2020), mỗi năm TP phải bố trí khoảng 4.250 tỉ đồng để trả nợ gốc và lãi đến hạn (tăng gần 49% so với giai đoạn 2011-2014). Do đó, nguồn cân đối cho chi đầu tư phát triển ngày càng khó khăn hơn.

37là số điểm ngập tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 8, trong khi cùng kỳ năm 2015 là 32 điểm.

Trung Thanh - Khang Bách (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.