Những ngôi nhà cao tầng mọc lên nhanh chóng ở nông thôn, một mặt cho thấy kinh tế, xã hội phát triển tích cực, tuy nhiên nó lại đang phá vỡ đi không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống.
Phó viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn- Trương Văn Quảng đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Công Thương về thực trạng này.

Đặc điểm của kiến trúc nông thôn Việt Nam là gì, thưa ông?

Kiến trúc nông thôn truyền thống Việt Nam gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc, liên quan đến sự phát triển của mỗi vùng miền và đều có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử thậm chí là quan niệm sống… Kiến trúc mỗi vùng miền có đặc điểm riêng và ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử thể hiện ở vật liệu xây dựng, ở thiết kế. Như nhà ở nông thôn Bắc bộ chủ yếu dùng gạch, đất còn nhà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vật liệu sử dụng thường là lá cây như gỗ tràm, cây dừa nước.

Do lối sống đô thị gia tăng, kiến trúc nông thôn hiện nay bị tác động ra sao?

Hiện xu hướng đô thị đang tác động một cách mạnh mẽ đến không gian, kiến trúc nông thôn. Những tiện ích đô thị như điều hòa, lò vi sóng, bình nóng lạnh đưa về nông thôn ào ạt và bắt buộc phải cải tạo lại kiến trúc, thiết kế nhà ở. Như, để lắp điều hòa phải cải tạo xây dựng, điều tiết lại kiến trúc nhà cho phù hợp. Vì vậy, bên cạnh sự đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống mới thì vô tình đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, kiến trúc nhà ở, thậm chí phá vỡ cả không gian kiến trúc của vùng, như nhà đóng cửa để bật điều hòa làm mất đi lối sống cởi mở thay vào đó là sự khép kín, không tiếp cận với môi trường bên ngoài.

Việc người dân làng cổ Đường Lâm trả lại di sản do mâu thuẫn giữa bảo tồn và nhu cầu của cuộc sống, có phải là điển hình của sức ép đô thị đối với kiến trúc, quy hoạch nông thôn truyền thống hiện nay không?

Có thể khẳng định, Đường Lâm là điển hình cho sức ép đô thị đối với quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam hiện nay, nhất là vùng di sản. Làng cổ Đường Lâm đang đứng trước thực trạng đi qua vẫn không nhận ra vì nhiều nhà tầng được xây, vật liệu và kiến trúc xa lạ. Quảng cáo ngay cổng làng làm mất mỹ quan phản cảm, ô nhiễm, ồn ào, tắc đường, không được sửa chữa nơi cư trú dẫn đến xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia. Điều đó cho thấy sự không bình đẳng trong người dân, tốc độ, cách ứng xử chưa phù hợp với một “di sản sống”.

Vậy chúng ta cần làm gì để vừa bảo tồn kiến trúc truyền thống của làng cổ Đường Lâm nói riêng, cũng như các vùng nông thôn nói chung mà vẫn phù hợp với cuộc sống hiện đại?

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải xây dựng các chương trình quy hoạch có tính hệ thống và quy mô cụ thể cho vùng nông thôn. Chính quyền phải nhận thức được vấn đề và lựa chọn, xây dựng mô hình phù hợp đối với địa phương. Trong Chương trình phát triển nông thôn mới, Chính phủ cũng đã đặt ra 19 tiêu chí liên quan đến cách giải quyết cư trú cho phù hợp. Trong đó nhấn mạnh, chúng ta phải tiếp thu nhu cầu đời sống nhưng hài hòa với môi trường sống của nông thôn. Cho phép người dân xây dựng nhà mái, nhưng không gian hài hòa với môi trường, phù hợp với truyền thống. Đối với làng cổ Đường Lâm, do là một “di sản sống” trong cấu trúc đô thị Hà Nội bởi vậy phải lựa chọn phương pháp luận bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di sản một cách khôn ngoan để di sản này được tôn vinh. Trong qui hoạch, cần thiết phải xác định được ngưỡng qui mô dân số mà khả năng khu vực di sản có thể dung nạp, chịu tải. Phải phân định được các vùng theo cấp độ bảo tồn, kiểm soát phát triển, đảm bảo thực hiện tầm nhìn, mục tiêu qui hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Có các cơ chế, chính sách và các dự án chiến lược ưu tiên đầu tư (như giãn dân)... Chủ động tạo thêm các sản phẩm du lịch, việc làm cho người dân sống trong khu vực di sản để người dân Đường Lâm làm chủ và trở thành chủ nhân thật sự của khu di sản.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh (Báo Công Thương)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.