Tiếp tục tìm hiểu nội tình dự án Hanoi Landmark 51 (Vạn Phúc, Hà Đông) cũng như "sức khỏe" của các bên tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển tổ hợp cao cấp này, nhiều vấn đề bắt đầu lộ sáng. Từ câu chuyện huy động sức người, sức của để rót vào dự án, tới thương vụ kiểu "ông mất chân giò, bà thò chai rượu" đang khiến dự án trở nên mông lung hơn bao giờ hết.

Loại trừ khả năng một cá nhân tự mạo danh Hoàng Vương Land để bôi xấu, vu khống DN (!), thì bộ tài liệu khá chuẩn mực mà nhân vật tên Linh (sđt: 0949.550.xxx) cung cấp để bán hàng dự án Hanoi Landmark51 đáng để người mua nhà lưu tâm.

Trong các căn cứ pháp lý ở phần đầu hợp đồng, xuất hiện nội dung "căn cứ theo hợp đồng mua bán căn hộ chung cư số… ngày 06 tháng 5 năm 2015 giữa công ty CP Sông Đà 1.01 và công ty CP Thương mại Hoàng Vương". Chưa hết, chủ đầu tư chỉ có hai pháp nhân: Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam – công ty TNHH MTV (Vinafor) và Công ty CP Sông Đà 1.01.

Hợp đồng mẫu kiểu Hoàng Vương

Nhiều nội dung về quyền và nghĩa vụ của bên bán (công ty Hoàng Vương) trong hợp đồng mua bán cho thấy đủ sự lạ. Đơn cử, "bên Bán được quyền cho phép Chủ đầu tư thay đổi trang thiết bị, VLXD công trình nhà chung cư có giá trị tương đương"; "được quyền cho phép Chủ đầu tư thực hiện các quyền và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư trong thời gian chưa thành lập Ban quản trị nhà chung cư…" hay "cho phép Chủ đầu tư ngừng hoặc yêu cầu nhà cung cấp ngừng cung cấp điện, nước và các các dịch vụ tiện ích khác nếu bên Mua không đóng góp đầy đủ, đúng hạn chi phí..".

Với vai trò thứ cấp mua lại một phần sản phẩm dự án và phân phối cho bên thứ 3, liệu Hoàng Vương (bên Bán) có đủ năng lực pháp lý để thực hiện những "quyền" nêu trong hợp đồng mẫu?!

Một dự án "gánh" nhiều món nợ tài chính ngay khi mới "thai nghén"

Trưa 14/10, trao đổi qua điện thoại, Linh (Phó phòng Kinh doanh 6, công ty CP TM Hoàng Vương – phần chữ ký email gửi cho người viết) đính chính: "Bên công ty em chưa mua lại căn hộ của Chủ đầu tư Sông Đà. Cuối tháng 10 này, bên em mới có hợp đồng mua bán mẫu chuẩn và chính xác nhất. Hiện, hồ sơ đang chờ Sở Công thương phê duyệt. Nếu thời điểm này mua thì khách hàng ký trực tiếp với bên Sông Đà. Đợt vừa qua, khách hàng ký hợp đồng mua bán với Hoàng Vương nhưng khó bán (sang tên lại? – PV) quá nên hiện bên em phải chuyển về cho Sông Đà bán".

Nếu quả thực Hoàng Vương đang "sửa" lại hợp đồng mẫu (đang chờ cơ quan chức năng phê duyệt) theo nội dung bên bán sẽ là trực tiếp Chủ đầu tư (Sông Đà 1.01), và tồn tại những bản hợp đồng mua bán đứng tên Hoàng Vương ghi nhận phát sinh giao dịch, thì những khách hàng đã trót dốc hầu bao vào hợp đồng mua bán (do Hoàng Vương đứng tên bên Bán) để mua căn hộ hình thành trong tương lai sẽ được "đối xử" ra sao?

Người mua "mò trăng đáy nước"

Trong ba pháp nhân liên quan trực tiếp tới dự án lúc này, Sông Đà 1.01 chính là "đầu mối" đáng quan tâm nhất. Ngày 14/5/2015, HĐQT công ty CP Sông Đà 1.01 ra Nghị quyết số 02/NQ-HĐQT với quyết nghị: "Thông qua Hợp đồng kinh tế về việc Mua bán căn hộ chung cư thuộc Dự án Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor – Địa điểm: 55 đường 430, phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội giữa công ty CP Sông Đà 1.01 và công ty Cổ phần thương mại Hoàng Vương" do Chủ tịch HĐQT Tạ Văn Trung ký.

Tiếp tục tới Báo cáo tài chính tổng hợp đã được soát xét cho kỳ hoạt động từ 1/1/2015 tới 30/6/2015 của Sông Đà 1.01, một số vấn đề liên quan trực tiếp tới dự án Vinafor (Hanoi Landmark 51) xuất hiện: Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (được liệt vào hạng mục "hàng tồn kho" trong phần thuyết minh báo cáo) có giá gốc 4,305 tỷ đồng.

Đồng thời, trong mục Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn, dự án tòa nhà Vinafor có giá gốc tới xấp xỉ 191,7 tỷ đồng. Ngoài ra, phần "vay và nợ thuê tài chính" của Sông Đà 1.01 cho hay: Tới 30/6, đơn vị này đã "rót" vào dự án Vinafor 136,016 tỷ đồng (tăng ngót 106 tỷ đồng kể từ ngày 1/1/2015).

Khoản tiền khổng lồ này đến từ Hợp đồng vay dự án số 468/2014/Songda1.01/HĐTD/PVB-40 tháng 8/2014 với hạn mức tín dụng là 600 tỷ đồng; thời hạn rút vốn tối đa là 31/7/2017, mục đích vay phục vụ Dự án chung cư cao cấp Vinafor.

Đổi lại, tài sản đảm bảo cho hợp đồng vay này bao gồm: Quyền sử dụng đất của dự án Vinafor (Quyền sử dụng đất của dự án này là của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam); tài sản hình thành trong tương lai trên đất là tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor; nguồn thu từ dự án của Vinafor…

Chưa hết, danh mục "phải trả khác" phần ngắn hạn thể hiện, Sông Đà 1.01 phải trả cho công ty CP Thương mại Hoàng Vương khoản tiền 15 tỷ đồng đã nhận đặt cọc..

Tổng quan như sau: Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, quyền sử dụng đất và giá trị BĐS hình thành trong tương lai (chung cư Vinafor) đã được làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 600 tỷ đồng của Sông Đà 1.01 nhằm "nuôi" dự án thành hình.

Sông Đà 1.01 "nợ" Hoàng Vương 15 tỷ đồng và đồng ý bán một phần căn hộ dự án cho Hoàng Vương (để khấu trừ nợ phải trả? – PV) dẫn tới không ít cá nhân tự ý thoải mái rêu rao về vai trò thứ cấp của Hoàng Vương tại dự án?

Nguyễn Cảnh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.