Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2013 nằm trong khoảng 6-7%. Cơ quan này cũng đưa ra một số gợi ý về việc điều chỉnh tỷ giá.

Theo báo cáo kinh tế mới công bố của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lạm phát tháng 3 được kiểm soát ở mức thấp kỷ lục, giảm 0,19% so với tháng trước, đồng thời ghi nhận mức giảm mạnh nhất theo tháng kể từ năm 2009. So với cùng kỳ năm trước, lạm phát tháng 3 chỉ tăng 6,64% và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2005.

Lạm phát tăng thấp nhất 4 năm qua cho thấy sức mua vẫn rất yếu. Ảnh: B.H

Tương tự mức tăng 2,39% của CPI quý I/2013 cũng là mức thấp nhất trong 4 năm. Tuy vậy, mức tăng thấp của lạm phát cho thấy tổng cầu nền kinh tế tiếp tục yếu và xu hướng này có thể tiếp tục trong 9 tháng còn lại. Do áp lực từ cầu kéo không lớn nên theo Ủy ban Giám sát, việc thực hiện mục tiêu lạm phát từ nay đến cuối năm sẽ phụ thuộc nhiều vào việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và tỷ giá. Cơ quan này dự báo lạm phát năm 2013 có thể ở mức 6-7%, lãi suất huy động khoảng 7% trong khi mức cho vay ra dự kiến là 10%.

Trong điều kiện lạm phát ổn định, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng nên thực hiện điều chỉnh tỷ giá (theo hướng giảm giá đồng Việt Nam) ở mức độ cho phép để hỗ trợ xuất khẩu cũng như hạn hạn chế những dòng tiền "nóng" đầu tư ngắn hạn và dễ đảo chiều từ nước ngoài. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lượng tiền này ước đạt khoảng 300 triệu USD trong năm 2012, tăng 25% so với 2011.

Về tăng trưởng, báo cáo so sánh GDP quý I/2013 cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng 4,9%, cao hơn mức 4,1% của cùng kỳ năm 2012. Tuy vậy, nhận định tổng cầu yếu vẫn được thể hiện khi doanh số bán lẻ hàng hóa dịch vụ (sau khi loại bỏ yếu tố giá) tăng 4,5%, thấp hơn so với con số 5% cùng kỳ năm ngoái.

Với giả định xu hướng tăng trưởng không biến động lớn trong 3 quý cuối năm, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, tăng trưởng kinh tế cả năm 2013 đạt khoảng 5,3%. Tuy nhiên kinh tế vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, sức sản xuất doanh nghiệp còn yếu, tổng cầu thấp gây trở ngại việc tiêu thụ đầu ra. Động lực quan trọng cho tăng trưởng trong quý I/2013 là xuất khẩu, song cả năm 2013, giá hàng hóa thế giới lại được dự báo sẽ không tăng, thậm chí giảm.

Đồng thời, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia kiến nghị, từ nay đến cuối năm 2013, các vấn đề về doanh nghiệp nên được tiếp tục hỗ trợ và tăng cường ưu tiên. Ngoài ra, lãi suất cần điều chỉnh giảm để hạ thấp chi phí cho doanh nghiệp và các công ty mua bán nợ nên sớm đưa vào hoạt động, chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất, nhằm giúp thị trường bất động sản, lĩnh vực xây dựng.

Về chính sách tài khóa, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề xuất việc cân nhắc khả năng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 20% để khuyến khích đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khắc phục hiện tượng chuyển giá và xem xét giảm thuế VAT.

  • Bình ổn… trên giấy?

    Bình ổn… trên giấy?

    Khác với nhiều dự đoán trước đó, phiên đấu giá 26.000 lượng vàng SJC sáng 28/3 của Ngân hàng Nhà nước đã rơi vào một tình thế oái oăm. <br/br>

  • Còn “đất” để hạ lãi vay xuống 10%

    Còn “đất” để hạ lãi vay xuống 10%

    Trong một báo cáo vừa công bố, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho rằng, tình hình hiện nay tạo dư địa cho việc giảm lãi suất huy động xuống 7%/năm, lãi suất cho vay xuống 10%năm.

  • 'Nên gửi tiền kỳ hạn dài khi lãi suất hạ'

    'Nên gửi tiền kỳ hạn dài khi lãi suất hạ'

    Theo các chuyên gia, người gửi tiền nên chuyển sang kỳ hạn dài để hưởng lãi cao bởi lãi suất kỳ hạn ngắn có thể còn hạ thêm. Ngược lại, nếu tiền nhàn rỗi đủ lớn nên mua nhà ngay cả khi không có nhu cầu ở.

Tường Vi - Thanh Thanh Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.