Song song với nhiều chương trình khuyến mãi đang triển khai rầm rộ, các ngân hàng cũng bắt đầu đợt điều chỉnh lãi suất vay qua thẻ, có nơi lên tới 25-26% một năm.

Từ 20/4, khách hàng chi tiêu qua thẻ tín dụng Techcombank Visa sẽ phải chịu lãi suất 24% một năm nếu trả nợ sau thời gian miễn lãi (45 ngày), tăng 1% so với hiện hành. Với loại thẻ liên kết Vietnam Airlines Techcombank Visa, khách hàng sẽ phải thanh toán theo lãi suất mới từ 28/4.

Techcombank không phải trường hợp đầu tiên tăng lãi suất thẻ tín dụng. Từ cuối tuần trước, Ngân hàng cổ phần Đông Á (DongA Bank) cũng áp dụng lãi suất mới, trên 2% một tháng thay vì mức cũ 1,9%. Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) đã điều chỉnh từ giữa tháng 3, lên 23% một năm.

Trong khối nước ngoài, HSBC đang có lãi suất mềm nhất, nhưng cũng tới 24% một năm. Còn tại ANZ, từ 17/1, nhà băng này đã áp dụng lãi suất 2,15-2,4% một tháng, tương đương 25,8- 28,8% một năm.

Vài trường hợp hiếm hoi vẫn giữ mức hấp dẫn như Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam lãi suất 18% một năm hoặc thậm chí như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam với lãi suất 17,5% một năm, tương đương lãi suất cho vay thông thường áp dụng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay của các ngân hàng đầu tháng 4 phổ biến ở mức 16-18% áp dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, và 20-22% đối với lĩnh vực phi sản xuất kinh doanh.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB) Lưu Trung Thái cho biết lãi suất cao hay thấp còn phụ thuộc vào chính sách phí của từng đơn vị, nhưng với mặt bằng lãi suất huy động trên dưới 14% một năm như hiện nay, ngân hàng không thể có lợi nhuận nếu áp dụng lãi suất dưới 20%.

Bởi chi phí quản lý cũng như vận hành hoạt động thẻ tín dụng cao hơn nhiều so với các khoản vay thông thường. Bên cạnh những khoản đầu tư phát triển mạng lưới chấp nhận và thanh toán thẻ trong cũng như ngoài nước, ngân hàng cũng phải chi không nhỏ cho việc chăm sóc khách hàng. Hơn nữa, ngân hàng đã hỗ trợ một khoảng thời gian miễn lãi (thường từ 40 đến 45 ngày), qua thời hạn này khách hàng mới phải trả lãi suất.

Một mặt cho rằng tăng lãi suất là việc không thể dừng trong bối cảnh chi phí vốn đầu vào tăng cao, các ngân hàng cũng đua nhau khuyến mãithu hút khách hàng mới và khuyến khích chi tiêu qua thẻ. Phổ biến nhất là hình thức miễn phí phát hành thẻ mới, miễn phí thường niên năm đầu tiên (dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng tùy loại thẻ).

Với khách hàng đã mở thẻ, các ngân hàng thường có chương trình tích điểm để ưu đãi khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Một số nhà băng còn liên kết với các điểm mua sắm hoặc doanh nghiệp cung ứng hàng hóa để triển khai chương trình giảm giá trực tiếp tới 50% hoặc mua hàng trả góp không lãi suất.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần quy mô lớn tại Hà Nội nhận định nghiệp vụ thẻ tín dụng đang có cơ hội phát triển. Các chương trình khuyến mãi rầm rộ tung ra là nhằm đón trước nhu cầu chi tiêu tăng mạnh khi mùa du lịch hè sắp tới. Mặt khác, nhu cầu mở thẻ tín dụng quốc tế đang gia tăng khi những người đi nước ngoài rất khó mua đôla tiền mặt để mang theo.

"Thẻ tín dụng cùng nhiều dịch vụ khách hàng cá nhân khác đang là cứu cánh cho ngân hàng trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt. Giảm lãi từ hoạt động cho vay, ngân hàng phải trông chờ nhiều hơn vào việc làm dịch vụ để thu phí", vị giám đốc này nhận định.

Chia sẻ quan điểm này, Phó tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái cho rằng phát triển dịch vụ thẻ tín dụng và thẻ thanh toán quốc tế đang được các ngân hàng quan tâm nhiều hơn sau thời gian dài phát triển mảng thẻ ATM mà chưa thu được lợi nhuận. Trong tổng số hơn 30 triệu thẻ phát hành tại Việt Nam, lượng thẻ tín dụng mới chiếm chưa đầy 10%, cho thấy phân khúc thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng. Bản thân MB sau thời gian dài chuẩn bị cũng sắp cho ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đầu tiên, với kỳ vọng thu hút được ít nhất 10.000 chủ thẻ trong tổng số gần nửa triệu khách hàng cá nhân đang mở tài khoản tại ngân hàng này.

"Biên lợi nhuận từ dịch vụ thẻ tín dụng chắc chắn cao hơn thẻ ATM, một mảng được các ngân hàng đầu tư rất nhiều thời gian qua mà chưa mang lại lợi nhuận", ông Thái nói thêm.

CafeLand.vn - Theo eBank
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland