Sau các quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất huy động đã được một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh lãi suất sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khó tạo thành một cuộc đua.

Lãi suất tiết kiệm tăng giúp giữ chân khách hàng


Tăng ở kỳ hạn ngắn

Sau bước đi điều chỉnh tỷ giá của NHNN, lãi suất huy động tại các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV)... cơ bản không thay đổi. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng lần lượt là 4,5%/năm và 4,6%/năm; lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 6%.

Trong khi đó, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn đã được một số ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1-0,5%/năm. Xu hướng này diễn ra chủ yếu tại các ngân hàng nhỏ và vừa. Theo biểu lãi suất áp dụng từ ngày 24-8 tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng là 5,2%/năm (tăng 0,1%), kỳ hạn 6 tháng là 6,7%/năm (tăng 0,5%) và kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng được niêm yết ở mức 5,3%/năm (tăng 0,2%), kỳ hạn 6 tháng là 5,9%/năm (tăng 0,4%) và kỳ hạn 12 tháng là 6,8%/năm (tăng 0,3%)....Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm tăng nhanh kể từ khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Cụ thể, ngày 11-8, mức lãi suất cho vay qua đêm là 3,64%/năm, sau đó điều chỉnh tăng lên 4,47%/năm vào ngày 12-8 và 4,98%/năm vào ngày 18-8. Sau đó, lãi suất cho vay qua đêm đã hạ nhiệt, cụ thể, đến ngày 3-9 đã lùi về mức 4,03%/năm.

Bên cạnh việc tăng lãi suất, các ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng gửi tiền. Ví dụ như Viet Capital Bank triển khai chương trình khuyến mãi với trên 30.000 quà tặng hay SeABank triển khai chương trình ưu đãi dành cho các khách hàng gửi tiết kiệm với 10.300 phần quà, tổng trị giá lên tới 1 tỷ đồng.

Khó tạo ra cuộc đua

Theo các chuyên gia, thông thường, sau khi điều chỉnh tăng tỷ giá, lãi suất cũng sẽ được các ngân hàng điều chỉnh tăng do nhu cầu nắm giữ VND giảm. Thanh khoản của thị trường sẽ bị giảm bớt do nhiều doanh nghiệp, người dân đang nắm giữ VND sẽ chuyển qua mua ngoại tệ để có thể thanh toán nhanh các khoản phải trả trong tương lai. Áp lực về thanh khoản sẽ khiến mặt bằng lãi suất ngắn hạn tăng lên. Về lý thuyết, mặt bằng lãi suất ngắn hạn có thể điều chỉnh lên một mức mới. Trong khi đó, lãi suất trung và dài hạn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi xu thế chung trong khi lạm phát hiện vẫn đang ở mức thấp.

Lý giải việc lãi suất huy động tăng, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, có thực tế này là do một số ngân hàng nhỏ muốn cạnh tranh thu hút người gửi tiền. Với tác động từ việc điều chỉnh tỷ giá, thực tế cũng có khách hàng rút tiền tiết kiệm chuyển sang kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, ngoại tệ… nhưng số này không nhiều.

Giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, trong trường hợp các ngân hàng tăng lãi suất huy động thì việc buộc phải điều chỉnh để giữ chân khách hàng là cần thiết. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ có tính chất tạm thời và sẽ không tạo ra một cuộc đua tăng lãi suất huy động.

Trước những ý kiến dự báo việc lãi suất huy động tăng sẽ kéo lãi suất cho vay đi lên, các chuyên gia cho rằng, không nên quá lo lắng. Nhiều khả năng lãi suất tiền gửi sẽ được điều chỉnh nhanh hơn nhằm giữ chân khách hàng, trong khi đó lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh chậm hơn. Thậm chí, với thanh khoản dồi dào, nhiều ngân hàng đang tìm cách đẩy vốn ra thị trường. Do đó, lãi suất cho vay có thể được điều chỉnh giảm đối với các doanh nghiệp làm ăn tốt.

Anh Tú (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.