Ngân hàng Nhà nước vừa họp báo công bố lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng chỉ còn 6%/năm (so với mức 7%/năm hiện nay). Như vậy, nhiều khả năng, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra thời điểm này là, liệu doanh nghiệp sản xuất đã sẵn sàng vay vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh?

Đón nhận thông tin trên, ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Sadaco (TP.HCM) cho rằng, điều quan trọng là việc hạ lãi vay có thực chất, hay ngân hàng vẫn phân biệt khách hàng, lựa chọn một số dự án chủ chốt để cho vay? Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp có khả năng vay chưa muốn vay và doanh nghiệp cần vốn lại khó tiếp cận vốn vay.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, hiện các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TP.HCM vẫn chịu mức lãi vay ngắn hạn tại các ngân hàng cổ phần ở mức trên 10% và 9-10% khi vay vốn ở các ngân hàng có vốn nhà nước.

Với mức lãi vay trên, các doanh nghiệp sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, vì lợi nhuận vẫn còn thấp do đầu ra sản phẩm còn khó khăn, doanh nghiệp chưa thể tăng giá bán. Đơn cử, ngành chế biến gỗ, mặc dù đang “vào mùa” sản xuất, nên lượng đơn hàng của doanh nghiệp chế biến gỗ tăng mạnh so với quý IV năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Mạnh, vấn đề quan trọng nhất là giá thành đầu ra của sản phẩm vẫn chưa tăng, do đó, nếu so sánh với lãi vay ngắn hạn từ 10% trở lên, thì hầu như rất ít doanh nghiệp có lãi. Do đó, nhu cầu vay thì có, nhưng chưa doanh nghiệp nào dám vay với mức lãi suất kể trên. “Lãi suất cho vay ngắn nên ở mức 6 - 8% là phù hợp”, ông Trần Quốc Mạnh nói và cho rằng, ngoài việc hạ lãi vay, Ngân hàng Nhà nước nên có thêm cú hích mới, bằng việc tạo điều kiện vay thoáng hơn, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn. Bởi lẽ, vấn đề quan trọng để tiếp cận vốn là tài sản thế chấp. Tuy nhiên, giá trị tài sản thế chấp của doanh nghiệp hiện cũng xuống rất thấp.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, ngân hàng cũng nên nghiên cứu cho vay tín chấp, thông qua việc xem xét những phương án kinh doanh tốt. Điều này đòi hỏi các ngân hàng nên bám sát hoạt động doanh nghiệp để có sự đồng cảm, chia sẻ, góp phần khơi thông dòng vốn. Thực tế, hiện rất ít doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay tín chấp.

Tín hiệu đáng mừng là, mới đây, tại chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đầu tiên của năm 2014 diễn ra tại quận Thủ Đức, Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Đông Sài Gòn đã ký kết các hợp đồng hỗ trợ lãi suất ưu đãi dành cho 6 doanh nghiệp và 2 hộ kinh doanh cá thể tại địa bàn, với tổng giá trị các khoản vay 307 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng, đây là bước khởi đầu cho chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp giai đoạn II năm 2014, hứa hẹn một năm ngành ngân hàng sẽ có nhiều nguồn vốn với lãi suất ưu đãi hơn hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Thanh Vũ (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.