Sau 1 tuần rầm rộ các ngân hàng lớn đua nhau giảm lãi suất huy động ngắn hạn về 6 - 6,5% tiền gửi tiết kiệm vẫn ổn định. Nhiều khách hàng lựa chọn chuyển tiền gửi kỳ hạn dài trong bối cảnh các kênh đầu tư khác vẫn chưa khởi sắc.
Tuy lãi suất giảm nhưng người dân vẫn muốn gửi tiết kiệm vì đây là kênh bảo toàn vốn an toàn nhất hiện nay Ảnh: Hoàng Long
Tiền vẫn vào... ngân hàng
Sáng thứ 6 cuối tuần, tại Vietcombank trên đường Quang Trung (Hà Nội), lượng khách vào giao dịch khá đông. Bà Nguyễn Kim Oanh (phố Mai Hương – Hà Nội) cho biết, hơn 15 năm nay bà chỉ giao dịch duy nhất với ngân hàng Vietcombank tại địa điểm Quang Trung này, vì thấy an tâm. Bà nói, bà đi đáo hạn sổ tiết kiệm 100 triệu, số tiền không nhiều nên vợ chồng tôi tính gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng dưỡng già chứ không tính đến việc đầu tư.
Với các khách hàng lớn tuổi, việc gửi tiết kiệm như một kênh tích lũy vừa an toàn lại vừa sinh lời. Còn với một số nhà đầu tư nhỏ thì sau nhiều lần "bỏng tay” với bất động sản, chứng khoán trong bối cảnh khó khăn, họ cũng chọn cách nhờ ngân hàng "bảo tồn” nguồn vốn.
Trong khi đó, chị Phan Mỹ Linh (đường Trần Thái Tông) cũng cho biết: Trước đây có tiền để dành chị đầu tư vào vàng. Nhưng đang thấy dự báo giá vàng sẽ xuống sâu sau ngày 30-6 tới. Chị tính bán 2 lượng vàng SJC cũng được 80 triệu rồi lấy tiền gửi tiết kiệm. Tuy tỷ lệ sinh lời không cao do lãi suất giảm nhưng vừa an toàn lại không phải đau đầu lo sợ nay giá vàng tăng, mai giá vàng giảm.
Theo phân tích của TS. Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, đại học TP. Hồ Chí Minh, việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động không "hề bắt chẹt người gửi tiền”. Ông phân tích, dựa vào chỉ số CPI lẫn các yếu tố ngoại cảnh khác, thì dự báo tình hình lạm phát năm 2013 xoay quanh ngưỡng 6,5% -7%. Cứ cho người dân gửi tiết kiệm với lãi suất 6%/năm thì phần chịu thiệt là 1%, nhưng lại an toàn đồng vốn. Trong khi đó, nếu đầu tư vào bất động sản giai đoạn này chịu thiệt 3%, đầu tư vào chứng khoán cũng thiệt 2% mà chưa biết độ an toàn như thế nào. Trong 3 phương án, chắc chắn người dân sẽ lựa chọn gửi tiền tiết kiệm để giảm thiểu tối đa thiệt thòi. Nguồn vốn chảy vào ngân hàng cũng không bị xáo trộn.
Ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng khẳng định: Ngân hàng tạo sự tin tưởng cho khách hàng đến gửi tiền. Trong tuần qua, nhiều khách hàng đến chuyển tiền gửi kỳ hạn dài.
Khó kích thích tăng trưởng tín dụng
Việc giảm lãi suất đầu vào là tín hiệu tích cực để giảm lãi suất đầu ra, giải phóng vốn tồn trong ngân hàng. Ngân hàng sẽ tăng xông vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp để kích thích tăng trưởng tín dụng. Song kỳ vọng là một chuyện, và kết quả đạt được cũng hoàn toàn khác.
PGS - TS. Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng phân tích: "Đối với khả năng đáp ứng vốn cho doanh nghiệp thì có thể thấy giai đoạn này các ngân hàng không thiếu nguồn, chính sách của bên cho vay cũng cởi mở hơn. Trên thị trường, việc giảm lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động đã và đang được các ngân hàng thương mại thực hiện. Như vậy câu chuyện không phải ở vấn đề lãi suất. Người đi vay phải có nhu cầu vay thật, cần vốn thật cho sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp và ngân hàng mới có thể đến được với nhau. Và đó là mấu chốt để tín dụng tăng trưởng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Các chuyên gia cho rằng tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục ở mức thấp, thậm chí suy giảm. Dẫn chứng cho vấn đề trên về số liệu từ ngành thép. Tổng công suất toàn ngành khoảng 11 triệu tấn, nhưng nhu cầu sử dụng trong nước chỉ 5-6 triệu tấn, như vậy là dư thừa tới 30-40% công suất. Mức tiêu thụ trong quý I của ngành thép mỗi tháng chỉ xoay quanh 400.000 tấn. Với tình hình như vậy thì càng vay vốn các doanh nghiệp càng thua lỗ. Như vậy, rõ ràng, lãi suất không phải là yếu tố quyết định tín dụng có ra được hay không, mà là năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế và năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp, cũng như các khách hàng đang sản xuất kinh doanh.
Giới chuyên gia trong ngành khẳng định, giai đoạn này 3 bên ngân hàng, doanh nghiệp, người dân cần phải nỗ lực "vượt cạn”. Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ thực hiện các giải pháp tín dụng, lãi suất vào lĩnh vực ưu tiên, NHNN cần khẩn trương hoàn thành gói giải pháp xử lý hiệu quả nợ xấu. Ngoài việc nắn dòng tín dụng phù hợp với định hướng và diễn biến kinh tế vĩ mô cần có giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản; cơ cấu lại nợ và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn.
Hồ Hương (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.