Nhiều chuyên gia và DN cho rằng lãi suất cho vay vẫn còn khá cao so với trần LS huy động 9%/năm và kiến nghị vẫn có thể xem xét hạ LS để hỗ trợ DN.

Cao nhất 17,5%/năm

Theo thông báo của NHNN, hiện nay mức LS cho vay thấp nhất trên thị trường là 9%/năm, tuy nhiên đây chỉ là con số cá biệt mà NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dành riêng cho khách hàng tốt với quy mô 10.000 tỉ đồng. Còn lại, LS cho vay phổ biến của các NH thương mại nhà nước cho sản xuất kinh doanh thông thường dao động 14,6%/năm đến 16,5%/năm (trung, dài hạn), trong khi đó tại các NH cổ phần còn cao hơn từ 16%/năm đến 17,5%/năm. Riêng bốn lĩnh vực ưu tiên (tam nông, xuất khẩu, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ), LS phổ biến 11%/năm đến 13%/năm chỉ dành cho vay ngắn hạn, còn vay trung, dài hạn LS còn khá cao từ 14%/năm đến 16,5%/năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải hạ thêm lãi suất huy động nhằm tạo đà giảm lãi suất cho vay - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tại Hội thảo Đầu tư tài chính ngày 28.8, ông Ajay Bhagat -Giám đốc Công ty công nghiệp Dutchply, chuyên kinh doanh sản xuất ván ép cho biết, LS xuống 15%/năm vẫn còn quá cao, DN nào dám vay cũng có nghĩa là chấp nhận mạo hiểm. Nhưng vấn đề ở chỗ, các DN không dễ có được khoản vay này khi mà giá trị của nó chỉ bẳng một nửa giá trị của tài sản thế chấp.

Còn có thể giảm

Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh - người từng có rất nhiều năm nghiên cứu về lạm phát, giá cả, tỏ ra tin tưởng LS có thể sẽ hạ tiếp nếu nhìn vào diễn biến của CPI.

Giả thiết thứ nhất là CPI năm 2012 sẽ xuống đáy vào tháng 9.2012 với khoảng 4% so với cùng kỳ rồi lên khoảng 7-8% vào cuối năm. Như vậy lộ trình giảm LS huy động có thể xuống đáy 6% vào cuối quý 3/2012 trước khi lên nhẹ 7-8% vào quý 4/2012. LS cho vay bình quân cũng về mức 10-11% vào cuối quý 3/2012 trước khi lên lại mức 12-13% trong quý 4/2012.

Căn cứ để hạ LS, theo ông Ánh, là tốc độ tăng tín dụng âm liên tiếp của 5 tháng đầu năm 2012. Nguyên nhân là LS cho vay quá cao nên DN không tiếp cận vốn tín dụng. Ngoài ra, dù trần LS huy động thực âm (14%/năm so với CPI 18%) suốt cả năm 2011 và giảm xuống 13%/năm từ ngày 13.3.2012 (giảm còn 9%/năm từ 11.6.2012) song tổng tiền gửi của dân cư tính đến cuối tháng 4.2012 vẫn tăng tới gần 12% so với cuối năm 2011. Nhờ vậy tổng vốn huy động nửa đầu năm 2012 vẫn tăng tới gần 8% so với cuối năm 2011. Bên cạnh đó, nửa đầu năm 2012 tốc độ tăng tiền gửi liên tục cao hơn tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán chứng tỏ tiền mặt ngoài lưu thông (VNĐ) bị cạn kiệt, bất chấp NHNN tuyên bố đã mua vào tới 9-10 tỉ USD tương đương 200.000 tỉ đồng để tăng dự trữ ngoại hối. Nên để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho vay 10%-13% của cả năm 2012 thì LS cho vay buộc phải điều chỉnh giảm mạnh, kể cả bằng biện pháp hành chính cũng như sử dụng công cụ thị trường.

Tổng giám đốc một NH lớn tại HN cho rằng, quan điểm của ông là nên thận trọng hạ LS, nhưng cũng phải linh hoạt căn cứ vào tình hình. Thông thường, hoạt động DN diễn ra theo quy luật nhu cầu vốn tăng mạnh vào cuối năm dịp lễ tết, nên tín dụng chắc chắn sẽ tăng trở lại. Ngoài ra, tín hiệu xuất khẩu hồi phục, cho thấy DN đã khá hơn, nhu cầu vốn quay lại, đầu tư công được giải ngân mạnh mẽ từ nay đến cuối năm có thể để lại độ trễ ảnh hưởng tới lạm phát. Tuy nhiên, lãnh đạo này thẳng thắn thừa nhận, mức LS cho vay hiện tại còn khá cao so với sức khỏe của DN, nên việc hạ LS huy động thêm một chút để tạo đà giảm LS cho vay cũng có thể tiếp sức thêm cho DN.

Theo Anh Vương (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.