Hiện lãi suất cho vay cá nhân đã được không ít nhà băng đưa về mức hợp lý hơn so với trước, một số ngân hàng giảm còn 10 - 12%/năm, đáng chú ý là đối với DN, lãi suất tối thiểu giảm còn 10%/năm.

Mùa vụ kinh doanh cuối năm sắp tới, để đón đầu nhu cầu này, các NHTM, nhất là những đơn vị nhỏ đã tranh thủ chuẩn bị thanh khoản, xin thêm quota (hạn mức) tín dụng để đẩy mạnh hoạt động cho vay. Song với DN lúc này vẫn chưa mặn mà với việc sử dụng vốn vay để mở rộng sản xuất - kinh doanh và đầu tư mới, do lãi suất còn là áp lực trước sức mua thị trường chưa được cải thiện. Vì thế, để có thể kích thích tăng trưởng tín dụng, lãi suất đang đòi hỏi phải giảm thêm so với mức phổ biến 13 - 15%/năm hiện nay.

Theo TS. Trần Du Lịch, lãi suất cho vay hợp lý khoảng 12%/năm

Khó kích cầu tín dụng

Hiện lãi suất cho vay cá nhân đã được không ít nhà băng đưa về mức hợp lý hơn so với trước, một số ngân hàng giảm còn 10 - 12%/năm, đáng chú ý là đối với DN, lãi suất tối thiểu giảm còn 10%/năm.

Thế nhưng, muốn đẩy mạnh được dư nợ tín dụng trong lúc này là bài toán đau đầu đối với các ngân hàng. Chẳng hạn, Sacombank đưa ra nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất cho khách hàng từ đầu năm đến nay. Mới đây, Sacombank đưa ra gói vốn 2.000 tỷ đồng, với lãi suất 13%/năm, giải ngân đến ngày 31/12. Đồng thời, Sacombank triển khai tiếp gói vốn 1.000 tỷ đồng, lãi suất 13 - 14%/năm và ưu tiên cho DN xuất khẩu với lãi suất 13%/năm. Vậy nhưng, tính đến cuối tháng 6/2012, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Sacombank vẫn âm 0,33%.

Vì thế, với “room” tăng trưởng tín dụng 17% trong năm nay, lãnh đạo Sacombank thừa nhận, khó có thể dùng hết trước diễn biến thị trường hiện nay. Theo lãnh đạo Sacombank, cái khó trong phát triển tín dụng chính là sức tiêu thụ của thị trường chưa được cải thiện, hàng tồn kho gia tăng nên DN chưa muốn vay, chứ không hẳn giữa ngân hàng và khách hàng không tìm được tiếng nói chung.

Là một trong những ngân hàng lớn, có thế mạnh về hoạt động cho vay và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhận được ở mức cao nhất 17% trong năm nay, song đến hết quý II/2012, tổng dư nợ của Vietinbank cũng chỉ đạt hơn 282.843 tỷ đồng, giảm 3,1% so với đầu năm. Dù có chủ trương đẩy mạnh vốn ra thị trường trong những tháng cuối năm, với lãi suất ưu đãi dao động từ 11 - 13%/năm đối với DN vay bổ sung vốn lưu động và tối đa 15%/năm (nếu khách hàng vay trung, dài hạn), nhưng ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết, muốn đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ cũng không dễ. Ngoài lý do nhu cầu vốn của DN chưa cao, Ngân hàng cũng phải thận trọng chọn lọc khách hàng đáp ứng đủ điều kiện mới trao vốn để hạn chế rủi ro.

Tổng dư nợ tín dụng của ACB, Eximbank trong hai quý đầu năm nay cũng đạt mức tăng trưởng chưa tới 1%. Cụ thể, tại ACB, đến hết quý II/2012, tăng trưởng tín dụng là 0,95% và Eximbank là 0,97% so với chỉ tiêu nhận được trong năm 2012 là 17%. Trong khi đó, hai ngân hàng này đã đưa ra nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất cho cả khách hàng DN và cá nhân, kể cả với lĩnh vực “nhạy cảm” như bất động sản. Chẳng hạn, tại ACB, lãi suất cho vay DN thấp nhất là 11%/năm và tối đa là 15%/năm. Mới đây, ACB đưa ra hạn mức tín dụng 5.000 tỷ đồng cho khách hàng có nhu cầu vay mua bất động sản, với mức tài trợ lên đến 99% giá trị bất động sản mua, trong thời hạn 20 năm, lãi suất 14,5%/năm.

Tiến độ giải ngân vốn cả với khách hàng cá nhân và DN hiện nay được các NHTM cho biết, tương đối chậm. Khách hàng chưa muốn vay và kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm.

Lãi suất cần giảm thêm

Trao đổi với ĐTCK, ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng ANZ Việt Nam cho rằng, mức lãi suất cho vay mua nhà hiện nay đã hợp lý hơn nhiều so với đầu năm. Đồng thời, giá bất động sản cũng không còn cao như trước, nên thời điểm này mua nhà là thích hợp. Theo ông Hùng, với mức lãi suất áp dụng cho khách hàng cá nhân vay mua bất động sản thấp nhất là 13,8%/năm, nên số lượng cá nhân tham gia vay tại ANZ cũng bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, tâm lý khách hàng vẫn còn kỳ vọng lãi suất giảm thêm. Do đó, nhiều khả năng xu hướng lãi suất sẽ theo chiều hướng xuống.

Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank nhận định, với chiều hướng đi xuống của lạm phát, lãi suất sẽ được các ngân hàng điều chỉnh giảm thêm để kích thích tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. Đây cũng là lý do để HDBank xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng “room” dư nợ tín dụng từ mức 10% lên 30% và vừa được NHNN chấp thuận.

Tuy nhiên, theo ông Đặng, lãi suất thực tế hiện nay đã giảm về mức khá thấp, 10%/năm áp dụng đối với khách hàng DN có “sức khỏe” tốt, có dự án kinh doanh khả thi, nhưng để tìm kiếm được các khách hàng này rất khó, vì với sức mua của thị trường hiện nay, DN cũng chưa đẩy mạnh việc kinh doanh, đầu tư.

Lãnh đạo Eximbank cho biết, lãi vay VND hiện nay được Ngân hàng áp dụng ở mức 7%/năm, gắn với lãi suất biến động USD 3%/năm, tính ra chỉ khoảng 12 - 13%/năm (nếu tỷ giá không biến động, thì lãi suất chỉ là 7%/năm). Eximbank muốn đẩy mạnh vốn cho vay để có điều kiện tốt hơn hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.

Thế nhưng, nếu xét thực tế khi đi vay thì không hẳn khách hàng nào cũng được hưởng mức lãi suất ưu đãi mà các NHTM đưa ra. Chẳng hạn, với lãi suất cho DN vay ở mức 7%/năm, Eximbank dành cho DN ở lĩnh vực xuất khẩu và có nguồn ngoại tệ mang về cho Ngân hàng, hay mức 10%/năm mà HDBank áp dụng cho khách hàng DN cũng có sự chọn lọc khá kỹ các đối tượng vay vốn.

Đối với khối khách hàng cá nhân, các NHTM chỉ ưu đãi lãi suất cho kỳ hạn đầu tư và thường chỉ 1 - 2 tháng, sau đó lãi suất sẽ điều chỉnh tăng, dù khi vay các ngân hàng cho biết, lãi suất sẽ được điều chỉnh theo diễn biến thị trường và nhiều khả năng có xu hướng giảm.

Đó cũng chính là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng khó thoát khỏi tình trạng âm trong hai quý đầu năm và đến cuối tháng 7/2012, tăng trưởng dư nợ tín dụng chỉ mới đạt gần 1%. Trong khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra cho cả năm là 15 - 17%, còn mục tiêu NHNN đưa ra cho 6 tháng cuối năm kỳ vọng ở mức 8 - 10%.

Vì vậy, theo các chuyên gia, lãi suất cần được điều chỉnh giảm thêm theo một lộ trình thì mới kích thích được tăng trưởng tín dụng và “cứu” được DN. TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN đánh giá, mức lãi suất phổ biến được các NHTM áp dụng hiện nay là 14 - 16%/năm chưa kích thích được DN vay vốn. Còn mức lãi suất ưu đãi 11 - 13%/năm, NHTM chỉ dành cho khách hàng thực sự tốt, có tài sản thế chấp và dự án kinh doanh khả thi. Trong khi đó, hàng tồn kho gia tăng và sức mua thị trường chưa cải thiện. Chính điều này không kích thích được nhu cầu vốn. Trong khi đó, sức đề kháng của các DN, nhất là với các DNVVN đã sụt giảm nhiều trong thời gian khó khăn vừa qua. Do đó, nếu lãi suất không giảm thêm, sẽ rất khó cho cả DN và chính bản thân ngân hàng.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, lạm phát năm nay sẽ ở dưới mức 8%, vì thế lãi suất cho vay hợp lý khoảng 12%/năm. Theo TS. Lịch, nếu mặt bằng lãi suất không về mức trên, nền kinh tế sẽ khó hấp thu được vốn qua DN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8 - 10% trong 6 tháng cuối năm khó thực hiện. Hiện tại, thanh khoản của các NHTM đã cải thiện tốt. Thậm chí, ở các ngân hàng lớn, thanh khoản đang dôi dư, không giảm lãi suất cho vay sẽ ứ đọng vốn.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.