Những ngày vừa qua, Đường dây nóng Báo CAND liên tiếp nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng tin nhắn rác ồ ạt trên điện thoại di động.

Trước đây, loại tin nhắn gây phiền phức cho khách hàng thuê bao điện thoại thường là lừa trúng thưởng, quảng cáo bán các sản phẩm thời trang… Nhưng nay, loại tin nhắn mới xuất hiện dồn dập là những quảng cáo bán đất, nhà, bán căn hộ, đặc biệt là căn hộ cao cấp.

Ngày 5/6, chị Cao Thanh Hằng ở phố Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân, Hà Nội cầm chiếc điện thoại đến Báo CAND bức xúc: “Các anh chị nhìn xem, chỉ trong khoảng thời gian 14h47 đến 17h53 ngày hôm nay (5/6) mà tôi phải nhận đến 8 cái tin nhắn quảng cáo bán căn hộ thì có bực mình không?”. Trong số các tin nhắn mà chị Hằng cung cấp, có những tin nhắn chỉ cách nhau 4 phút. Mỗi tin nhắn là một số điện thoại khác nhau.

Chúng tôi còn nhận được nhiều phàn nàn của bạn bè, người thân về tình trạng buộc phải nhận tin nhắn rác kiểu như vậy. Họ đồng loạt nhận tin giống hệt nhau cùng một thời điểm. Những nội dung hầu hết như: “Chỉ 1,2 tỷ (TT 10 đợt) sở hữu ngay căn hộ cao cấp cách hồ Hoàn Kiếm 6km, nằm trong quần thể 70ha với đầy đủ tiện ích. Gọi ngay 096888xxxx”; hoặc: “Mở bán biệt thự, chung cư Gamuda đẹp nhất Hà Nội. Thanh toán 30% nhận nhà ngay, 70% trả chậm, giá chỉ từ 1,3 tỷ đồng”…

Tin nhắn rác bất động sản "khủng bố" người dùng điện thoại.

Tin nhắn rác trước đây thường được nhắn đến điện thoại bằng một tổng đài chỉ có 4 hoặc 5 đầu số, hoặc tin nhắn hướng người sử dụng nhắn tin vào tổng đài dịch vụ. Tuy nhiên, những tin nhắn rác đại trà hiện nay đều đến từ các số thuê bao di động trả trước.

Lý giải hiện tượng ồ ạt tin nhắn rác bất động sản, một người buôn bất động sản phân tích lý do rằng thị trường bất động sản đang chìm quá, ế ẩm quá, phải “thổi” nó lên. Tuy nhiên, việc quảng cáo như vậy sẽ không có hiệu quả, bởi nhiều người còn chẳng buồn đọc đến những tin nhắn như vậy, mà chỉ cần nhìn thấy là xóa đi ngay. Như trường hợp của chị Hằng, cả 8 tin nhắn đến trong một thời gian ngắn, chị không mở ra đọc một tin nào.

Thời gian vừa qua, có mạng di động đã đưa ra biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác và có hệ thống kiểm soát tin nhắn rác. Tuy nhiên, tình trạng tin nhắn rác ồ ạt cho thấy việc thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông hiện nay. Thông tin về số điện thoại cá nhân do doanh nghiệp viễn thông quản lý, nhưng những thông tin đó đã bị cung cấp cho cá nhân, doanh nghiệp dịch vụ để tung ra các tin nhắn rác. Trong khi đó, pháp luật đã có quy định rất rõ về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Điều 60 Nghị định 71/2013/NĐ-CP quy định xử phạt cả hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác. Lỗi vi phạm này bị phạt từ 30 triệu đồng – 40 triệu đồng.

Mức phạt từ 40 triệu đồng – 50 triệu đồng dành cho hành vi: “Cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ bằng thư điện tử hoặc bằng tin nhắn không có đầy đủ các hình thức tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối theo quy định; gửi hoặc phát tán tin nhắn rác; tạo hàng loạt cuộc gọi nhỡ nhằm dụ dỗ người sử dụng gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến các số cung cấp dịch vụ nội dung…”.

Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán 2015, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp đã xử lý 28.000 thuê bao phát tán tin nhắn rác. Dù có xử lý nhưng vẫn tái diễn tin nhắn rác gây bức xúc cho người sử dụng điện thoại. Một trong những lý do để tin nhắn rác vẫn hoành hành như hiện nay chính là do cách quản lý thuê bao trả trước chưa được hiệu quả. Trước tình trạng thuê bao vẫn bị “khủng bố” tin nhắn như hiện nay, các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn nữa trong xử lý tin nhắn rác và siết chặt quản lý thuê bao trả trước.

Minh Phương (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.