Trong bối cảnh “vàng thực” lộn xộn như hiện nay, khái niệm “vàng ảo” cụ thể là “sàn vàng ảo” tiếp tục vẫn là vấn đề nóng trên thị trường tiền tệ ở ta.

Trong tuần qua, vàng đã có một cơn ‘sóng” giá khuấy động sự ổn định kéo dài mấy tháng qua. Cơn sốt giá đó được cho là sẽ sớm qua đi nhưng không vì thế mà thị trường vàng sớm có được sự bình ổn như kỳ vọng khi ban hành những quy định mới về kinh doanh vì thị trường vàng lại rộ lên cơn sốt đầu tư vàng ảo rồi đến chuyện lách luật để gom vàng của các ngân hàng.

Theo nhận định chung, sự kém hấp dẫn của đa số các kênh đầu tư và sự bất ổn của thị trường “vàng thật” đã khiến kinh doanh vàng qua tài khoản nở rộ trở lại, bất chấp tính pháp lý chưa có.

Trong khi đó, vào ngày 25/6, NHNN đã phải ban hành văn bản 3854 yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng. Sau văn bản này, lãi suất huy động vàng đã giảm mạnh trở lại, xuống gần mức 0%; thậm chí có ngân hàng đã ngưng huy động vàng để chuyển sang hình thức giữ hộ có thu phí.

Tuy nhiên, gần đây, chuyện lãi suất huy động vàng lại được hâm nóng trở lại. Nổi bật nhất là “hiện tượng” ngân hàng DongA Bank dẫu là nhà băng đầu tiên ngừng huy động vàng trong những ngày đầu tháng 7 và áp dụng mức phí giữ hộ 0,05% trên giá trị vàng giữ hộ.


Tuy nhiên, hiện nay, NHTM này bất ngờ huy động vàng trở lại với lãi suất 1% cho tất cả các kỳ, nhưng phải đáo hạn trước 25/11. Cũng trong thời điểm này, ACB đã 2 lần thay đổi động thái về vàng. Nếu như vào đầu tháng 7/2012, ngân hàng này đã ngưng phát hành chứng chỉ huy động vàng có kỳ hạn, và cho biết những khoản đáo hạn sau 4/7 nhưng khách hàng không đến rút, ACB sẽ chuyển sang giữ hộ vàng và không trả lãi. Thì sang nửa cuối tháng 7/2012, họ lại thông báo phát hành chứng chỉ huy động vàng với các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng, lãi suất 0,8% một năm và đảm bảo đáo hạn trước ngày 25/11 theo quy định.

Ngoài ra, các chứng chỉ vàng chưa đến ngày đáo hạn vẫn tiếp tục thực hiện những cam kết giữa ACB và khách hàng. Những khoản có ngày đến hạn sau ngày 25/11 nhưng khách hàng không đến rút, ACB sẽ chuyển sang giữ hộ vàng và không trả lãi.

Vì sao động thái huy động vàng lại rôm rả trở lại? Giới chuyên gia cho rằng động thái huy động vàng lãi suất cao của một số ngân hàng hiện nay còn có nhiều khả năng xuất phát từ một số mục đích sau: Một, chuyển vàng thành tiền đồng. Bởi ngay cả khi huy động vàng với lãi suất 1 hoặc 2% một năm, nếu giá ổn định, sẽ có lợi hơn so với huy động vốn bằng VND lãi suất 9%. Hai, tăng tài sản cũng như khả năng thanh khoản cho một số NHTM đang yếu về vấn đề này. Thậm chí, không loại trừ hành vi gom vàng bán kiếm lời của một nhóm NHTM được phép mở tài khoản nước ngoài, được chuyển đổi vàng thành tiền đồng.

Thực ra, việc các NHTM tăng hay giảm lãi suất huy động vàng là một hiện tượng không mới, nhất là trong bối cảnh thị trường vàng thế giới và nội địa còn nhiều bất ổn. Đặc biệt, nhiều qui định mới về quản lý thị trường này còn phải đợi bởi chưa có “hiệu lực” chính thức. Việc các tổ chức tín dụng xoay chuyển, thay đổi để làm sao có lợi nhất cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sự thất thường sáng nắng, chiều mưa trên thị trường vàng là một thực tế không mong muốn của những người điều hành thị trường tiền tệ và cả đại đa số người tiêu dùng, cũng như DN kinh doanh vàng.

Trong bối cảnh “vàng thực” lộn xộn như vậy, khái niệm “vàng ảo” cụ thể là “sàn vàng ảo” tiếp tục vẫn là vấn đề nóng trên thị trường tiền tệ ở ta. Theo nhận định chung, sự kém hấp dẫn của đa số các kênh đầu tư và sự bất ổn của thị trường “vàng thật” đã khiến kinh doanh vàng qua tài khoản nở rộ trở lại, bất chấp tính pháp lý chưa có.

Các sàn vàng ngày càng thu hút được nhiều khách, nhất là các nhà đầu tư mới đến tìm hiểu, tham gia kinh doanh. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đang tuyển thêm nhân viên, chủ yếu là cho các phòng kinh doanh, mời gọi khách hàng mới. Sự hoạt động công khai, quy mô hoành tráng, lượng nhân viên trình độ cao rất lớn... đã khiến rất nhiều người, trong đó có cả những thành phần “nghiệp dư” ví như sinh viên tài chính đang thất nghiệp, tính tới chuyện mở tài khoản chơi thử.

Khá nhiều sàn giao dịch có địa chỉ hoạt động rõ ràng, quy mô lớn (tới hàng trăm nhân viên hoạt động trên cả ngàn mét vuông sàn ở các phố trung tâm tài chính), nhưng cũng không ít sàn chỉ có tên sàn, tên ông chủ, số điện thoại, email... và được chào mời trực tiếp bằng thư điện tử. Sự nở rộ và thậm chí hoạt động công khai trên quy mô lớn của các sàn giao dịch hàng hóa cho thấy rằng, đây rõ ràng là một kênh đầu tư. Nó hấp dẫn không ít các nhà đầu tư ở mọi tầng lớp bởi tính đầu cơ khá cao, nhiều vốn chơi cũng được và ít vốn chơi cũng được. Việc cấm và để dẹp bỏ tình trạng sàn vàng ảo vì thế có vẻ rất khó khăn.

Không ít ý kiến thắc mắc về tính pháp lý của hoạt động này. Đa số những người kinh doanh vàng qua tài khoản đều cho biết, thực chất đây không phải là hoạt động phi pháp mà là họ đang chờ quy chế quản lý từ các cơ quan chức năng. Và trước đây, Nhà nước cấm giao dịch vàng trong nước, còn giờ là chơi với sàn vàng quốc tế chẳng ai cấm, tội gì không tham gia để tìm kiếm cơ hội?

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.