Nhiều KTX được xây dựng hiện đại với số vốn hàng trăm tỷ đồng nhưng khi hoàn thành đưa vào sử dụng lại không thu hút được sinh viên đến ở.

Đà Lạt: Chỉ có 180/2000 sinh viên đến ở tại Ký túc xá

KTX tập trung (đường Nguyễn Hoàng, P.7, TP Đà Lạt) được tỉnh Lâm Đồng đầu tư hơn 220 tỉ đồng xây dựng mới được chính thức đưa vào sử dụng trong năm học 2014-2015.

KTX có sức chứa 2000 sinh viên tuy nhiên năm đầu tiên chỉ có 1 sinh viên đăng ký ở. Đến năm học 2015-2016 số lượng đăng ký ở trong khu ký túc xã khoảng trên 180 sinh viên.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, Ông Nguyễn Văn Đức, phó Trưởng ban Quản lý KTX tập trung TP Đà Lạt cho rằng dù đã cố gắng hết sức nhưng số lượng sinh viên đến đăng ký ở vẫn không nhiều như mong muốn.

“Do điều kiện khách quan thôi. Điểm trường gần KTX nhất là Đại học Yersin Đà Lạt khoảng 3km. Điểm xa nhất là Trường cao đẳng nghề - Du lịch Đà Lạt khoảng 10km. Đường xá xa xôi như vậy lại chưa được đầu tư xây dựng đúng mức.

Ngoài ra, các phương tiện xe bus phục vụ nhu cầu đi lại của sinh viên cũng phải chờ đường thi công xong mới đưa vào sử dụng, khai thác được. Bên cạnh đó thì quanh khu vực ký túc xá tập trung cũng không có nhiều các cửa hàng, trung tâm thương mại, khu dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu khác của sinh viên”, ông Đức giải thích.

Phó trưởng ban quản lý ký túc xá tập trung TP Đà Lạt cho hay, kế hoạch xây dựng khu ký túc xá trước đó thì ngoài việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt của sinh viên 6 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP Đà Lạt thì khu ký túc xá còn hỗ trợ học viên các trường chính trị, trung học nghề cũng như một số trường Đại học miền Nam có cơ sở đào tạo tại đây.

KTX Đà Lạt khang trang với sức chứa 2000 sinh viên, hiện nay chỉ có khoảng 180 sinh viên đăng ký ở.

“Thực tế thì năm 2009 có nhiều trường ở khu vực TP.HCM đã lập dự án đầu tư vào TP Đà Lạt như ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa TP.HCM, sau đó các trường lại chuyển hướng đầu tư hoặc không đầu tư.
Điều đó khiến số lượng sinh viên sẽ ở ký túc xá bị hụt so với dự kiến ban đầu”, ông Đức thanh minh.

Cũng theo ông Đức, nhằm khuyến khích và thu hút sinh viên đến ở, thời gian qua, Ban quản lý ký túc xá tập trung TP. Đà Lạt đã áp dụng giá phòng ở rất thấp, trung bình 40.000 đồng/người/tháng nhưng nhiều sinh viên không mặn mà vào ở.

“Chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để lôi kéo sinh viên vào ở. Ngoài giá cả thấp còn có thêm cả chính sách miễn giảm tiền gửi xe cho sinh viên có sinh nhật trong tháng. Tuy nhiên khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên thì sẽ khó thu hút được nhiều người.

Giờ chúng tôi chỉ hi vọng đường xá nối ký túc xá với các trường đại học được hoàn thành, cũng như các tuyến xe bus sớm đi vào hoạt động thì mới thu hút thêm được sinh viên vào ở”, ông Đức chia sẻ.

Cần Thơ: KTX khang trang nhưng còn dư thừa quá nửa số phòng

Tương tự tại Cần Thơ, KTX sinh viên trường Cao đẳng Cần Thơ được xây dựng cách đây 2 năm với số tiền hơn 29 tỷ đồng nhưng bị bỏ hoang một thời gian dài trước khi đi vào hoạt động đầu năm học vừa rồi.

Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Thanh Liêm – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cần Thơ cho hay: “KTX phải tạm dừng một thời gian sau khi xây dựng xong vì chưa được đồng bộ hóa về thiết bị phòng cháy chữa cháy cũng như phòng chống sét. Sau khi xin thêm được nguồn kinh phí xây dựng, chúng tôi đã tiến hành hoàn thiện và đưa vào khai thác từ đầu năm học này”.

Theo lời Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cần Thơ, ký túc xá của trường được xây dựng trên diện tích hơn 50.000m2, gồm 100 phòng với 5 tầng nhằm đáp ứng nhu cầu cho 800 sinh viên nhưng hiện nay vẫn còn nhiều phòng trống không có người ở.

“Tòa nhà mới xây được trang bị hiện đại, nằm ngay khuôn viên trường và khu giảng đường. Không chỉ thế, đây còn là khu vực gần trung tâm thành phố Cần Thơ, đường xá đi lại thuận tiện. Vậy mà KTX cũng chỉ thu hút được khoảng 400 sinh viên đến ở với giá 90.000 đồng/tháng. Ở các khu nhà cũ của trường, tỷ lệ sinh viên nội trú còn thấp hơn nữa.”, ông Liêm trải lòng.

Hiệu trưởng trường cao đẳng Cần Thơ cũng khẳng định nhà trường và Ban Quản lý khu KTX đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút sinh viên đến nội trú.

“Có thể các em bây giờ không muốn ở trong các khu KTX nữa mà muốn thuê trọ ở ngoài. Chúng tôi không biết làm cách nào để khuyến khích thêm các em đến ở nữa. Trường cũng đang tìm một số mô hình hay của các tỉnh để triển khai, áp dụng trong thời gian tới”, Ông Liêm nhấn mạnh.

Thanh Hóa: KTX bỏ hoang nuôi vịt, làm chỗ học lái xe

Cụm nhà sinh viên tại phường Quảng Thành (TP.Thanh Hóa) với tổng nguồn vốn từ Dự án trái phiếu Chính phủ lên tới 591,7 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 10/2010 trên diện tích 2,5 ha, có diện tích 70.430 m2 nhằm đáp ứng cho gần 4.000 SV học tập trên địa bàn. Tuy nhiên đến tháng 7/2011, Tổng công ty cổ phần Miền Trung chính thức dừng thi công vì lý do lý do hết vốn.

Đến thời điểm này sau gần 5 năm dừng thi công công trình, cụm nhà sinh viên vẫn đang bị bỏ hoang.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Oanh, Phó bí thư Đảng ủy phường Quảng Thành cũng không biết rõ vì sao dự án này lại dừng thi công một cách đột ngột như vậy.

KTX tại Thanh Hóa được người dân thuê để nuôi vịt, làm chỗ dạy lái xe.

“Toàn nhà bị bỏ hoang nhiều năm, ai cũng thấy lãng phí tiền của của Nhà nước. Trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân cũng bức xúc yêu cầu thành phố rồi tỉnh phải giải quyết triệt để việc này”, ông Oanh nhấn mạnh.

Bà Trang – Phó Chủ tịch UBND phường thông tin thêm: “Tòa nhà sau khi bị bỏ hoang đã được một đơn vị thuê làm trường dạy học lái xe. Cũng có cả người dân thuê ở nuôi vịt trong đó. Việc bỏ không như vậy là rất lãng phí từ các hộ dân đến cấp chính quyền.

Vì vậy chúng tôi đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền nhanh chóng giải quyết. Theo như thông tin hiện nay tôi được biết thì tỉnh Thanh Hóa đang có chủ trương thu hồi lại diện tích 7 ha khu đất này để thực hiện dự án khác”.

Hoàn Nguyễn (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.