Sự vắng vẻ, đìu hiu của ký túc xá nghìn tỷ là điều đáng báo động và là một sự lãng phí rất lớn.

Trong khi nhu cầu về nhà ở cho sinh viên các trường ĐH, CĐ là rất lớn, làm sao để cung - cầu gặp nhau trong vấn đề này chính là câu hỏi dành cho các cơ quan có liên quan.

Tiện nghi, hiện đại, giá thuê siêu rẻ, nhưng khu Ký túc xá (KTX) sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội) sau 8 tháng rầm rộ mời gọi vẫn rơi vào tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh”.
Ba lý do cản trở sinh viên?
Nhằm giải quyết vấn đề “nóng” cho hàng chục nghìn sinh viên các trường đại học trên địa bàn, đầu năm 2015, TP. Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 2 khu KTX dành cho sinh viên thuê: KTX sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) và KTX sinh viên Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm).
Cả 2 khu KTX đều được xây dựng từ nguồn trái phiếu của Chính phủ với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hơn 23.000 sinh viên các trường CĐ và ĐH đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Có thể nói, đây là một bước đột phá trong đời sống học đường ở Thủ đô. Tuy nhiên, thực tế đang tạo nên những dư luận trái chiều.
Khu KTX Mỹ Đình II gần kín sinh viên tới ở.
Tại KTX sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, lừng lững 6 tòa nhà 19 tầng, vẽ nên một vẻ đẹp hiện đại và lãng mạn phía nam Thủ đô. Thâm nhập vào các tòa nhà đã hoàn thiện, chúng tôi bị thu hút bởi sự thiết kế đồng bộ, hiện đại, có thang máy, các phòng rộng 57m2 trang bị đủ tiện nghi như: giường, tủ, bình nóng lạnh, điều hòa, internet, căng tin, hầm để xe… cùng bộ máy quản lý và nội quy KTX rõ ràng, chuẩn mực. Hấp dẫn hơn, mức giá cho một sinh viên thuê chỉ 205.000 đồng/tháng.
Hiện đại, văn minh, an toàn, thiết thực, lãng mạn…, những tưởng sinh viên sẽ xếp hàng đăng ký thuê phòng. Tuy nhiên, dù mở cửa và mời gọi rầm rộ hơn 8 tháng nay, mà 2 trong 6 tòa chính thức đi vào hoạt động của Khu KTX sinh viên này vẫn “vắng như chùa bà Đanh”. Một tòa nhà có sinh viên thuê thì chỉ có 4/19 tầng sáng ánh đèn. Còn tòa nhà thứ hai thì vẫn để trống.
Lý do khiến KTX vắng khách
Lý do phổ biến nhất mà sinh viên đưa ra đó là vị trí KTX nằm biệt lập và cách xa trường học. Gần nhất là trường ĐH Thăng Long (4 km); xa hơn là ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa (6 - 7 km). Đa số sinh viên không có xe máy, phải đến trường bằng xe buýt nên việc đi lại rất bất tiện, vì phải đi nhiều tuyến mới tới trường, đấy là chưa kể từ KTX ra đến bến xe buýt phải đi bộ gần 700m.
“Từ cuối tháng 1, em đã biết KTX Pháp Vân đi vào hoạt động, giá thuê rẻ, khang trang, sạch đẹp, điện nước đầy đủ… Tuy nhiên, lại nằm quá xa so với trường em học, đi lại rất bất tiện, ảnh hưởng đến việc học tập” - sinh viên Nguyễn Thị Phương, năm thứ 3 ĐH Kinh tế Quốc dân tâm sự.
Lý do thứ hai, khiến nhiều sinh viên băn khoăn đó là quy định 8 người ở chung một phòng do Ban quản lý sắp xếp, dẫn đến nhiều bất tiện trong sinh hoạt do sinh viên học khác trường, khác tuổi.
Sinh viên Nguyễn Trang Vân, ĐH Công nghệ và Kinh doanh cho biết: “Phòng 8 người mà không được lựa chọn người ở cùng thì em thấy vô cùng bất tiện. Vì các bạn học trường khác nhau, lứa tuổi khác nhau, đôi lúc muốn hỏi bài vở, hay tâm sự chia sẻ cũng khó”.
Lý do thứ ba, nằm ngay ở nội quy của KTX mà nhiều sinh viên cho rằng chưa phù hợp với sinh viên. Nhiều sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải đi làm thêm ngoài giờ học để trang trải cuộc sống, phục vụ học tập. Nhưng làm thêm buổi tối khó đảm bảo quy định 23h KTX đóng cửa…
Nhà trọ “cháy” phòng
Trong khi đó, tại các ngõ nhỏ của phố Minh Khai, Trương Định, Hoàng Mai..., các dãy nhà trọ tấp nập sinh viên của các trường: ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Phương Đông.
KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp "ế ẩm".
Sinh viên Trần Ánh Tuyết, ĐH Phương Đông tâm sự: “Em thuê chung với 1 bạn tại ngõ Gốc Đề, Minh Khai với giá 1,4 triệu đồng/tháng, tính cả điện nước mỗi người phải đóng 1 triệu/tháng. Em có xuống khu KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp, công nhận hiện đại, giá thuê rẻ, nhưng 8 người/phòng kể cũng bất tiện, với lại xa trường, nên em phải cân nhắc”.
Sinh viên Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Tuy không hiện đại và rẻ như KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp nhưng ở đây chủ nhà “thoải mái”, miễn sao đến tháng mình đóng tiền đầy đủ là được”.
Thực tế, tại các dãy nhà trọ ở một ngõ thuộc quận Hai Bà Trưng, có tới 80% các cặp đôi sinh viên “góp gạo” thổi cơm chung. Điều mà ở khu KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp chắc chắn không bao giờ xảy ra.
Bà chủ nhà trọ cho biết: “Sinh viên bây giờ sống thoáng, mình đưa ra nội quy khắt khe là không hợp thời, không ai thuê đâu.”
Bài học từ KTX sinh viên Mỹ Đình
Cùng thời điểm đi vào hoạt động với khu KTX sinh viên Pháp Vân, Khu KTX Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), có sức chứa 7.000 người, dù có vị trí tương đối thuận lợi, nằm cạnh các trường ĐH Thương mại, ĐH Sư phạm, ĐH Quốc Gia, nhưng cũng có một thời gian dài “ế ẩm”, cũng bị dư luận cảnh báo lãng phí vốn đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã có tới 90% số phòng đã có sinh viên đến ở.
Quan sát hoạt động của KTX Mỹ Đình thấy rõ sự chuyên nghiệp trong điều hành. Bảo vệ vòng trong, vòng ngoài, trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, cán bộ Ban quản lý KTX niềm nở khi khách đến giao dịch.
Dưới sân KTX, tuyệt nhiên không một phương tiện cá nhân dừng đỗ. Đây là điều mà TKX Pháp Vân - Tứ Hiệp chưa đạt được.
Ban Quản lý KTX đã có những điều chỉnh hợp lý. Ví dụ, nhằm tạo điều kiện cho các em sinh viên phải đi làm thêm ngoài giờ học và về muộn sau 23h, Ban quản lý yêu cầu sinh viên làm đơn, xem xét và cấp thẻ ra vào cho những sinh viên này sau 23h.
Hiện tại, một số bất cập tiếp tục nảy sinh như: Hằng ngày có hơn 1.000 sinh viên sử dụng thang máy nên xảy ra tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến thời gian học tập và sinh hoạt của sinh viên; bất cập trong việc dùng mạng internet, nhu cầu không thể thiếu đối với sinh viên. Ban Quản lý cho biết, họ đang tiếp tục nghiên cứu để có sự điều chỉnh hợp lý, kịp thời.
Rõ ràng, với Khu KTX sinh viên Mỹ Đình, chính cung cách quản lý và thái độ phục vụ với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập và sinh hoạt đã thu hút, hấp dẫn sinh viên. Là sinh viên, không ai không mong muốn có một môi trường học tập lý tưởng nhất. KTX nghìn tỷ được xây dựng ở Thủ đô không ngoài mục đích tạo nên môi trường đó.
Thực tế cho thấy, 3 lý do của sinh viên nêu ra ở KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp không phải không thể giải quyết, ngay cả lý do về vị trí cách biệt, xa trường học, cũng có thể giải quyết bằng việc lập ra các tuyến xe buýt dành riêng cho sinh viên mà điểm đỗ nằm ngay trong sân KTX.
Quang Tuấn - Quốc Hưng (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.