Trước những khó khăn của năm 2012, vẫn có nhận định lạc quan, năm 2013 có thể thực hiện được mục tiêu “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo"

2012: Về đích trong khó khăn

Những nét lớn về kinh tế Việt Nam năm 2012 đã được khái quát qua nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ KHĐT). Theo đó, tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước năm qua chưa có nhiều đột phá, tăng trưởng vẫn ở mức thấp do tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn...
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I và II/2012 đạt mức thấp (so với thực hiện cùng kỳ các năm trước đó) nhưng sau đó đã tăng hơn vào quý III và quý IV (5,4 và 6,5%). Nhờ vào nỗ lực tăng trưởng hai quý cuối năm mà tăng trưởng cả năm không giảm sâu về tốc độ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 vẫn giảm năm thứ 2 liên tiếp, xuống mức 5,2%.
Mặc dù, trong bối cảnh vẫn còn chịu tác động không thuận từ sự phục hồi tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới, cùng với khó khăn, hạn chế mang tính cơ cấu tồn tại nhiều năm của kinh tế nước ta nhưng nền kinh tế trong năm 2012 vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trong năm 2012, vẫn đảm bảo được lượng tiền hút vào, không tác động lớn đến tăng giá hàng tiêu dùng và các yếu tố vĩ mô khác. Như vậy, trong 5 năm, chúng ta đã rút được kinh nghiệm, bài học trong điều hành kinh tế vĩ mô từ năm 2007 đến năm 2011 và tạo được tiền đề cho năm 2012. Đây chính là thành công lớn.
Hoạt động xuất khẩu là điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2012
Một thành công nữa đó là trong năm 2012 Việt Nam ổn định được giá trị của VND, làm tăng niềm tin của người dân vào điều hành vĩ mô của Chính phủ. Tỷ giá phản ánh rất chân thật tốc độ tăng giá tiêu dùng, chỉ số CPI đã được giữ và giảm dần. Đây là tiền đề quan trọng cho năm 2013 và cả giai đoạn 2013-2015 đó là, đưa tốc độ tăng trưởng vượt qua tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Như vậy, đã đảm bảo được tăng trưởng thật và đời sống của người dân được nâng cao.
Đáng chú ý, năm 2012 vẫn đảm bảo các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh thu ngân sách giảm. Nhìn vào số thu ngân sách nhà nước năm 2012 có thể thấy, chưa bao giờ số lượng các địa phương hụt thu ngân sách lớn như hiện nay. Tuy nhiên, hụt thu ngân sách từ các nguồn được bù lại một phần do giá dầu thô trên thế giới tăng lên so với giá dự toán góp phần giảm căng thẳng thu chi ngân sách.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Nền kinh tế của Việt Nam năm 2012 cũng giống bức tranh kinh tế chung của thế giới và khu vực với chủ đề chung là màu xám. Nhưng nhìn ra xa hơn và nhìn vào những yếu tố vi mô thì trong nền màu xám đã có ánh sáng màu hồng. Năm 2012 là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 10 năm liên tiếp. Nhưng nếu nhìn riêng từng quý trong năm 2012 thì thấy quý sau tăng trưởng hơn quý trước. Điều này cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu tự chuyển biến, cộng thêm sự tác động của điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Năm 2012, Quốc hội đặt mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Nhìn lại nền kinh tế năm qua, có thể thấy, tỷ giá ổn định, bội chi ngân sách, nợ công, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mục tiêu; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ nhập siêu vượt mục tiêu đặt ra. Với kết quả đó, có thể khẳng định, Chính phủ đã thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Lý do mà mục tiêu “duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý” nhưng chưa đạt được, theo TS. Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta còn nhiều dư địa để GDP có thể tăng trưởng cao hơn. Nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai việc phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước, thẩm định dự án đầu tư ngay từ đầu năm, thì tăng trưởng GDP năm 2012 có khả năng cao hơn mức 5,2%.
2013: Nỗ lực để bứt phá
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế Thế giới của IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 khoảng 3,6% cao hơn so với năm 2012 (được ước ở mức khoảng 3,3%). Qua đó, tác động đến kinh tế Việt Nam ở một số điểm như: Sự sụt giảm tăng trưởng của hai nền kinh tế là Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong việc xuất khẩu khi nhân công và chi phí đầu vào của Việt Nam được đánh giá là thấp hơn 2-2,5 lần so với Ấn Độ, Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư FDI, ODA vào Việt Nam trong năm 2013 cũng có nhiều triển vọng tăng cao hơn năm 2012 sẽ giúp kinh tế Việt Nam, nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư khởi sắc.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm 2013 được dự báo sụt giảm có thể sẽ ảnh hưởng không thuận cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam vì Nhật Bản không chỉ là một trong 3 nước có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam mà còn là nước có lượng vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất. Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản có xu hướng giảm sẽ gây lo ngại ảnh hưởng tới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, một số tồn tại nổi bật của năm 2012 sẽ tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến năm 2013 đó là: Hàng tồn kho cao, lãi suất cho vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp cao và số lượng doanh nghiệp bị phá sản lớn. Có thể thấy lần đầu tiên trong vòng 11 tháng số doanh nghiệp sản xuất phá sản lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký mới. Điều này cảnh báo trong năm 2013 số lao động mất việc làm sẽ rất lớn. Cùng với đó, việc doanh nghiệp không hoạt động thì thu ngân sách cũng sẽ bị giảm.
Nợ xấu ngân hàng nghiêm trọng ở các lĩnh vực đặc biệt là bất động sản, vẫn sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề chính của doanh nghiệp hiện nay là giải quyết hàng tồn kho, trước khi tính đến vay vốn để sản xuất kinh doanh. Như vậy để doanh nghiệp tiếp cận với các khoản vay mới, vấn đề không dừng lại ở hạ lãi suất hay khoanh nợ, mà còn phải tìm giải pháp giải quyết hàng tồn kho.
Trước những khó khăn của năm 2012, TS. Nguyễn Đức Kiên vẫn nhận định một cách lạc quan, năm 2013 hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo”.
Một trong những giải pháp để giải quyết được những tồn tại của năm 2012 là cần phải giải quyết mối liên hệ giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Tạo được gắn kết cộng sinh vì nếu các tổ chức tín dụng khó khăn, doanh nghiệp cũng lâm vào cảnh khó khăn và ngược lại. Để khắc phục khó khăn trên các ngân hàng bên cạnh xử lý nợ xấu, cải cách quản trị doanh nghiệp của ngân hàng cần phân loại khoản nợ nào xử lý được có cơ chế điều hành linh hoạt. Đến thời điểm này, BLDS quy định không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản, nhưng hiện tượng này vẫn còn diễn ra. Chúng ta có thể áp dụng các biện pháp hành chính bên cạnh điều hành theo quy luật của nền kinh tế thị trường, và chúng ta vẫn còn dư địa dành cho các biện pháp quản lý khác.
Đặc biệt, trong năm 2013 Chính phủ cần cân đối hài hòa giữa đầu tư xã hội với “sức khỏe” của doanh nghiệp, có những biện pháp tạo cho doanh nghiệp có niềm tin vào hoạt động xản xuất, kinh doanh của mình. Năm 2013, vốn đầu tư ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ giảm, vì vậy cần huy động vốn từ các thành phần kinh tế khác, đặc biệt, chú ý kêu gọi thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên: Rút kinh nghiệm năm 2012 và những năm trước đó, chúng ta cần bắt tay vào triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung vốn cho trả nợ xây dựng cơ bản hoàn thành và các công trình, dự án hoàn thành trong năm 2013; hạn chế khởi công mới các công trình, dự án, bảo đảm thực hiện đúng Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.
Ngoài ra, để tạo nền tảng phát triển kinh tế vững chắc hơn cho những năm tiếp theo như mục tiêu đặt ra, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng cần khẩn trương hoàn thành và triển khai đề án tái cơ cấu ngay sau khi được phê duyệt, xác định rõ và công khai mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế ngay từ đầu năm.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế: “Trong chính sách tái cơ cấu các doanh nghiệp, Chính phủ cần phải có sự kiên quyết và dứt khoát. Ngay cả với những doanh nghiệp lớn hoạt động không có hiệu quả thì nên đóng cửa và giải thể. Từ đó có nguồn lực dành cho những doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm số lượng lớn trong cả nước”.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam: “Tôi cho rằng không nhất thiết phải đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2013 cao, ngay cả mức 4-5%. Cần đặt mục tiêu tái cơ cấu lên trên, dành nguồn lực cho nó, còn lại mới tính cho mục tiêu tăng trưởng GDP”.

Theo Bảo Nam (Báo Công Lý)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.