Để có được chiếc ghế quyền lực, tân Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cam kết nâng cao thu nhập cho người nông dân thông qua việc tăng giá gạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến e ngại rằng, động thái có thể khiến tốc độ lạm phát tại châu Á càng phi mã.

Hứa hẹn đầy "trái ngọt"

Theo cam kết mà bà Yingluck vận dụng từ chính sách của anh trai, cựu Tổng thống Thaksin, Chính phủ sẽ mua gạo chưa chế biến với giá 15.000 baht, tương đương 502 USD một tấn vào tháng 11/2011, cao hơn mức giá 9.900 bath ở thị trường hiện tại.


Lạm phát tại ít nhất 10 nền kinh tế châu Á đã tăng vượt mức trung bình 10 năm qua và lên mức cao trong giới hạn mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách. Theo tính toán của DBS Holding Group, Ngân hàng Trung ương tại châu Á đã nâng lãi suất cơ bản 44 lần từ tháng 3/2010 để kiềm chế lạm phát và yếu tố bất ổn của kinh tế toàn cầu sẽ khiến họ chưa vội nâng lãi suất cơ bản ít nhất thêm một tháng nữa.

Và thực hiện đúng như cam kết của mình, ngày 16/8 vừa qua, nữ Thủ tướng Thái Lan tái khẳng định việc nâng giá gạo trong chính sách kinh tế của mình tại cuộc họp Quốc hội Thái Lan và lên lịch trình công bố công khai vào ngày 24/8.

Giới phân tích nhận định, hoạt động thu mua này của Chính phủ có thể cải thiện đáng kể thu nhập của 27 triệu nông dân Thái Lan bởi theo ông Korbsook Iamsuri, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, chính sách mới của Chính phủ nước này có thể đẩy giá gạo tăng cao.

Nghiên cứu của 8 nhà chế biến và kinh doanh gạo ở Thái Lan cũng cho thấy, chính sách của bà Yingluck có thể khiến giá gạo thành phẩm xuất khẩu tăng vọt 50%, từ 500 USD một tấn hiện nay lên 750 USD một tấn.


Mức giá này gần tương đương với kết quả khảo sát với bốn nhà xuất khẩu, xay xát và các nhà giao dịch của hãng tin tài chính danh tiếng Bloomberg, theo đó, giá gạo có thể lên mức 800 USD một tấn trong quý 4/2011.

Kinh tế châu Á sắp

Bà Yingluck cam kết mua gạo giá cao để tăng thu nhập cho nông dân Thái.

Nếu giá gạo quả thực sẽ diễn ra theo chiều hướng tăng như vậy thì đây là kịch bản lặp lại của năm 2008, khi Chính phủ Thái Lan quyết định mua gạo với mức giá cao hơn giá thị trường để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo đó, giá gạo tại Thái Lan tăng lên 17.000 baht một tấn (569 USD một tấn) vào tháng 4/2008 và giá xuất khẩu đạt kỷ lục chưa từng có là 1.038 USD một tấn trong các tháng tiếp theo.

"Trái đắng" cho kinh tế châu Á

Tuy nhiên, tin tốt lành đối với nông dân Thái Lan lại là điềm báo chẳng lành cho kinh tế châu Á. Việc Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới tăng giá gạo thu mua nội địa có thể đẩy làn sóng tăng giá khắp châu Á, khu vực tiêu thụ đến 87% lượng tiêu thụ gạo toàn cầu.


Ông Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế Singapore tại ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, nhận định: "Giá gạo tăng cao sẽ lại tạo áp lực lạm phát ở châu Á, đặc biệt trong thời điểm mà hầu hết các chỉ số lạm phát đang vượt khỏi giới hạn mục tiêu của các Ngân hàng trung ương".

Lý giải cho nhận định của ông Bin, tập đoàn ngân hàng Rabobank Group cho rằng, thực phẩm chiếm đến hơn 30% trong gói hàng hoá tính chỉ số lạm phát trung bình tại châu Á, so với mức 15% tại châu Âu và dưới 10% tại Mỹ. Vì vậy, nền kinh tế châu Á rất nhạy cảm trước mỗi lần tăng giá thịt, rau quả và đặc biệt là gạo.

Trong khi đó, theo ông Song Seng Wun, nhà kinh tế học tại CIMB Research Pte, Singapore, chuyên phân tích các nền kinh tế châu Á trong hơn hai thập kỷ qua cho biết, người dân châu Á không thể thay đổi thực đơn chỉ trong một đêm. Vì vậy, việc tăng giá gạo, thịt hay rau sẽ chỉ càng khiến cho bữa cơm của người dân châu Á thêm đạm bạc.

“Trong quá khứ, chương trình tương tự đã tạo hiệu ứng trực tiếp tới thị trường. Tất nhiên sẽ có sự phản ứng từ phía mua, song vì gạo luôn là nhu cầu thiết yếu nên người tiêu dùng không còn cách nào khác là mua nhưng với số lượng ít hơn cho bữa cơm thường nhật. Điều đó có nghĩa là đời sống người dân thay vì được cải thiện mà lại bị xuống cấp. Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với giới chức châu Á”, ông Song Seng Wun nhấn mạnh.

Theo Bích Diệp (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh