Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VLXDVN) mới có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đề nghị chỉ đạo rà soát, cương quyết cắt bỏ, điều chỉnh lại danh mục dự án trong Quy hoạch phát triển ngành xi măng cho phù hợp tình hình thị trường.

Ngoài 9 dự án chuẩn bị đầu tư (giai đoạn 2016 - 2030) bị kiến nghị đưa ra khỏi Quy hoạch, còn có 6 dự án khác đã được cấp phép tại Bình Phước, Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế cũng lọt danh sách kiến nghị rút giấy phép do năng lực chủ đầu tư yếu kém.

Với thực trạng của ngành xi măng đang dư thừa công suất khá lớn, trong khi đầu ra hạn chế, thì kiến nghị trên là hoàn toàn có cơ sở.

Theo tính toán của Hội VLXDVN, nhu cầu xi măng nội địa trong 3 năm 2011 - 2013 ước giảm 14 - 15 triệu tấn so với dự báo đưa ra trong Quy hoạch Phát triển xi măng giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030.

Cũng theo Hội VLXDVN, đến năm 2015, nhu cầu xi măng nội địa dự báo chỉ khoảng 60 - 65 triệu tấn, trong khi sản lượng được dự báo trong Quy hoạch lên đến 75 - 76 triệu tấn. Do đó, nếu tiếp tục đầu tư theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg, thì đến năm 2015, tổng công suất các nhà máy xi măng sẽ đạt 94,24 triệu tấn, thừa khoảng 25 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ thừa trên 40 triệu tấn, khi tổng công suất của ngành đạt 129,5 triệu tấn.

TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXDVN cho biết, năm 2012 đã chứng kiến sự lao đao của hàng loạt doanh nghiệp ngành xi măng và chưa có bất kỳ tín hiệu nào về sự cải thiện tình hình trong năm 2013. Vì vậy, nếu không có sự điều chỉnh quyết liệt, thì sẽ gián tiếp làm gia tăng số doanh nghiệp phá sản, giải thể ngay trong ngắn hạn.

Không ngồi chờ các báo cáo, nhận định về tình hình tiêu thụ xi măng trong năm nay và vài năm tới, hơn ai hết, chính các doanh nghiệp xi măng đã dự liệu rất rõ tình hình thị trường năm 2013 để đưa ra chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Công ty cổ phần Xi măng La Hiên (Thái Nguyên) đã sản xuất và tiêu thụ 724.000 tấn xi măng, clinker trong năm 2012, với doanh thu 645 tỷ đồng, chỉ đạt 85,6% kế hoạch, lợi nhuận 10 tỷ đồng. Trong năm nay, công ty này chỉ dám đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 750.000 tấn, doanh thu 692.883 tỷ đồng. Điều đáng nói là, sang cả năm 2014 và năm 2015, Công ty cũng chỉ dám đưa ra mục tiêu sản xuất, tiêu thụ, doanh thu tương tự năm 2013.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng La Hiên, với tình hình cầu về xi măng thấp, cộng với sự xuất hiện của các nhãn hiệu xi măng mới, để giữ được thị trường, doanh nghiệp buộc phải giảm giá bán, nên ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của Công ty.

“Năm 2013, cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm sẽ tiếp tục diễn ra khốc liệt, thậm chí còn gay gắt hơn năm 2012. Đây thực sự là áp lực đối với Công ty trong việc thực hiện chỉ tiêu”, ông Dũng cho biết.

Đưa ra chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh khiêm tốn không chỉ có các tên tuổi chưa quá nổi tiếng trên thị trường, như Xi măng La Hiên, mà còn có cả các “ông lớn”, như Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), với 8 doanh nghiệp thành viên và chi phối hơn 33% thị phần toàn quốc.

Cụ thể, trong năm nay, Vicem chỉ đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 19 – 20 triệu tấn, doanh thu 30.000 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 500 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2012, Vicem sản xuất được 20,5 triệu tấn sản phẩm, doanh thu gần 28.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 661 tỷ đồng.

Trong tình hình khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Vicem cho biết, mỗi doanh nghiệp thành viên Vicem phải quyết tâm giữ bằng được thị trường cốt lõi của mình, quyết không chia sẻ thị trường mục tiêu cho các đối thủ khác, bởi nếu không bám chặt và làm tốt thị trường riêng, thì có đẩy mạnh tiêu thụ ở địa bàn khác cũng khó cạnh tranh được về giá so với các nhà cung cấp khác, do chi phí vận chuyển mặt hàng này rất lớn.
Hải Yến (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.